trí, thì chỉ trong lãnh vực của lý trí con người mới thực sự sinh hoạt theo
đúng cương vị của mình, còn như trong lãnh vực thực nghiệm thì con người
vẫn bị chi phối bởi những hiện tượng như những động vật khác. Con người
của thế giới hiện tượng, tức thế giới khả nghiệm, là đồng bang của các vật
trong thế giới hữu hình. Vậy chỉ có một nẻo duy nhất để con người tiến lên
lãnh vực riêng biệt của mình: đó là lãnh vực luân lý và sinh hoạt đạo đức.
Một con người sinh hoạt theo lý trí sẽ nhất thiết sống tự do, không còn bị
chi phối bởi cảm giác và nhục dục; đã sống tự do, con người sẽ nhận ra địa
vị của mình và nhân vị của tha nhân, đồng thời con người sẽ nhận thấy
Thượng Đế trên đầu mình.
Đó là đại khái tương quan giữa hai cuốn Phê bình thứ nhất và thứ hai.
Cuốn Phê bình thứ ba, tức Phê bình khả năng phán đoán, sẽ làm công việc
môi giới giữa hai cuốn trước, giữa tri thức và thực hành, giữa lý trí và cảm
giác. Triết Kant là triết con người bị cắt xé giữa tinh thần và thể xác, giữa lý
trí và cảm giác. Điều này ai cũng thấy, nhưng ít ai để ý tới vai trò “giải
thoát” của cuốn Phê bình thứ ba, trong đó Kant bàn tới vài hình thức văn
hóa có khả năng giải thoát con người và dần dần giúp con người vươn lên
khỏi những ràng buộc của giác quan hòng tiến tới những thực tại siêu hình.
Trước hết, trong phần có nhan đề “Thẩm mỹ học” Kant bàn đến mỹ thuật và
coi đó là hình thức của một sự hoà hợp giữa lý trí và cảm giác, vì cảm giác
nghệ thuật có tính chất vô vị lợi, không bị ràng buộc bởi những kích thích
chất thể của tác phẩm nghệ thuật, nhưng chỉ say mê cái hình thức tuyệt hảo
của nghệ phẩm. Kant gọi thế là một cảm giác đã được thanh tẩy để có thể
liệt vào lãnh vực lý trí. Cũng vậy, trong phần “Đạo đức học”, tức phần hai
của cuốn Phê bình khả năng phán đoán, Kant nói đến niềm kính phục như
nói đến một hình thức tình cảm đã được thanh tẩy khỏi mọi tì vết của cảm
giác xấu: đây là một tình cảm không thiên tư và không vị kỷ, do đây được
coi là một tình cảm hoàn toàn hợp lý. Kant đã coi khả năng phán đoán như
chiếc cầu dẫn con người từ lãnh vực tình cảm sang lãnh vực lý trí, từ lãnh
vực nhận thức sang lãnh vực đạo đức. Tuy nhiên từ lãnh vực đạo đức sang
lãnh vực tôn giáo còn cả một vực thẳm. Kant đã quá kỳ vọng lý trí con