Mỗi khi Kant nói đến biện chứng là ông nói đến một điều không chỉnh.
Trong bộ danh từ của ông, chữ biện chứng luôn ám chỉ một cái gì lệch lạc,
chứ không phải là cái gì được đề cao như trong học thuyết của Hegel hay
của Marx. Cuốn Phê bình lý trí thuần túy đã cho ta làm quen với phần Biện
chứng pháp gồm ba loại phán đoán thiếu nền tảng về linh hồn, Thượng Đế
và vũ trụ. Đây biện chứng pháp của phán đoán thẩm mỹ đặt vấn đề thẩm
mỹ như sau: thẩm mỹ là cái dựa trên sở thích, vậy thì làm sao những phán
đoán thẩm mỹ lại có thể được coi là phổ quát?
Kant khởi sự bằng hai câu thành ngữ: 1) “Mỗi người có sở thích của
mình”; 2) “Không thể tranh luận về sở thích”. Xem ra sự thể là thế: sở
thích là lãnh vực của tình cảm cá nhân, chứ không liên can gì đến lý trí. Mà
ta biết chỉ những gì thuộc phạm vi lý trí và trí năng mới có tính chất rõ
ràng, nhất định và phổ quát, còn như tình cảm và cảm hứng là cái riêng tư
của mỗi người, nằm trong cõi âm u của lòng con người. Người ta nêu hai
câu thành ngữ kia để chống lại nhận định trên này về phổ quát tính và tất
yếu tính của những phán đoán thẩm mỹ.
Chúng ta phải giải đáp thế nào về thắc mắc nầy?
Để sự giải đáp được minh bạch, Kant đã trình bày thắc mắc đó dưới hình
thức một tương phản (antinomie), nghĩa là có hai mệnh đề phản trái nhau
mà xem ra cùng đúng cả. Đó là chính đề và phản đề.
CHÍNH ĐỀ — “Phán đoán thẩm mỹ không dựa trên những quan niệm, vì
nếu nó dựa trên quan niệm, thì người ta đã có thể tranh luận (đưa ra những
chứng cứ)
PHẢN ĐỀ. — “Phán đoán thẩm mỹ dựa trên những quan niệm, nếu
không thì mặc dầu nó hàm chứa những điều trái nghịch, người ta sẽ không
có cách nào bàn luận về nó (để mong người khác phải ưng theo phán đoán
của ta)
Thoạt nghe, ai cũng tưởng thực sự có mâu thuẫn giữa hai mệnh đề trên
đây, nhưng nhìn kỹ mới biết rằng chỉ có vẻ chứ không thực sự có mâu
thuẫn: mâu thuẫn vì xem ra chúng ta vừa công nhận phán đoán thẩm mỹ