thiện tối cao được coi là thích ứng với những đòi hỏi nghiêm khắc nhất của
lý trí thực hành
. Đúng thế, hạnh phúc chỉ là đối tượng của hy vọng: ta
phải sinh hoạt để xứng đáng được hạnh phúc, chứ, ta không trực tiếp tìm
kiếm hạnh phúc. Ta tìm kiếm sự thiện, rồi hạnh phúc sẽ theo sau như bóng
với hình. Nhân đó trong bốn vấn đề của con người, mới có vấn đề “Tôi có
quyền hy vọng gì?”.
Kant càng tỏ ra khắt khe trong lập trường phê bình, thì ta càng có thể
vững tâm chấp nhận những quyết đoán của ông. Gần đây, J. Lacroix đã nói
lên thái độ của các triết gia ngày nay, và cách riêng của giới triết gia Kitô
giáo đối với Kant. Sau bao năm nghi ngờ và chỉ trích, vì đã chỉ biết Kant
qua cuốn Phê bình lý trí thuần túy, nay nhờ công nghiên cứu của nhiều học
giả trứ danh, người ta đã nhận ra bộ mặt thực của triết học Kant. Nên Jean
Lacroix đã viết những câu như: “Thượng Đế của triết học Kant là vị
Thượng Đế có vẻ Kitô giáo nhất trong lịch sử triết học, vì Ngài vừa là tác
giả của thiên nhiên, vừa là tác giả của Tự do... Con người có cứu cánh siêu
việt, cho nên ý thức đạo đức, chứ không phải bản năng, được quyền thẩm
định về hành vi con người. Chính vì thế, sinh hoạt đạo đức không phải là
đặc ân của một giới trưởng giả trí thức nào: đạo đức ở tầm tay mọi người, vì
nó chỉ hệ tại thiện chí. Cho nên lập trường của Kant rất hợp với Kitô giáo...
Tất cả thiên biện luận của chúng tôi chứng tỏ rằng mặc dầu triết học Kant
không viện chứng những tư tưởng của triết học Kitô giáo, hay nói đúng
hơn, chính vì triết Kant không viện chứng triết học Kitô giáo, nên ta phải
nhận rằng nó gần với Kitô giáo hơn hết”
.
Điều chúng tôi cần nói nơi phần tổng kết này là ảnh hưởng sâu đậm của
Kant đối với các trào lưu tư tưởng ngày nay. Có thể nói: Không hiểu Kant,
không thể hiểu thấu đáo Hegel, Marx, Heidegger và Lévi-Strauss. Chính
Michel Foucault đã thẳng thắn nhận định như thế: Kant đã làm con người
tỉnh giấc mơ tiên, biết mình là người chứ không phải là thần thánh, biết
mình là hữu thể hữu hạn chứ không phải là hiện thể tuyệt đối. Chính Kant
đã khai mạc khoa Nhân học khi đưa ra 4 câu hỏi với câu thứ bốn là “Con
người là gì?” Cho nên Foucault viết: “Khoa Nhân học (anthropologie) làm