nghiệm, tức tri thức trực tiếp mà mọi người vẫn có kinh nghiệm sống, thì
ngày nay cũng thế, các khoa học như kinh tế chính trị và ngữ học không
nhắm thâu tập những sự kiện thường nghiệm, nhưng tìm đạt tới những cơ
cấu vô thức của chúng. Đối tượng của các khoa học thường nghiệm như
kinh tế chính trị và ngữ học thuộc loại “những sự không bao giờ khách thể
hóa được, những biểu tượng không bao giờ được biểu tượng một cách trọn
vẹn, những cái vừa hiện vừa ẩn, những thực tại càng có vẻ bị khuất thì thực
ra càng làm nền tảng cho những gì ta nhìn thấy: đó là thế lực của cần lao,
sức mạnh của sự sống và khả năng của lời nói... Tính chất thực nghiệm mới
của các khoa học về sự sống, về ngôn ngữ và về kinh tế đã chiếu theo
phương pháp “đặt nền” của triết học siêu nghiệm
. Kant nói “đặt nền”
cũng như các khoa học nhân văn ngày nay nói “cơ cấu”: tìm xem những gì
được coi là điều kiện đặt nền cho tri thức, cũng chính là đào sâu tới những
gì được coi là cơ cấu của thực tại. Và Foucault đã kết luận như sau về tương
quan giữa triết Kant và các khoa học thời nay: “Những gì đã xảy ra ở thời
Ricardo, Cuvier và Bopp, tức cái hình thức khoa học đã được thiết lập với
khoa kinh tế học, sinh vật học và ngữ học, cũng như sự suy nghĩ về hữu hạn
tính mà Kant gọi là nhiệm vụ của triết học: tất cả những cái này vẫn làm
nên môi trường trực tiếp cho sự suy nghĩ của chúng ta. Chúng ta vẫn suy
tưởng trong khung khổ đó”
Tại sao Foucault dám quyết như thế ? Dám quyết rằng triết học siêu
nghiệm của Kant đã giúp thiết lập nên những khoa học mà ông gọi là thực
nghiệm mới? Tại sao Heidegger cũng tự xưng là môn đệ của Kant, và Lévi-
Strauss, cũng hãnh diện vì người ta gọi thuyết Cơ cấu của ông là “một
thuyết Kant không chủ thể siêu nghiệm” (un Kantisme sans sujet
transcendantal)? Tất cả bí quyết nằm nơi những phân tích của cuốn Phê
bình lý trí thuần túy: Kant phân biệt tri thức thường nghiệm và tri thức thực
nghiệm, tri thức bình dân và tri thức khoa học. Tri thức thường nghiệm dựa
trên kinh nghiệm sống, vì thế có tính chất bất tất, mơ hồ, lỏng lẻo. Tri thức
đích thực, tức tri thức khoa học thực nghiệm, thì minh bạch và chắc chắn
hai đặc tính của nó là phổ quát và tất yếu. Tri thức này không dựa trên kinh