và rằng những thụ cảm làm phát ra những âm đầu tiên (1). Trong khi lần theo dấu
vết những sự kiện, với những sự phân biệt này, có lẽ ta phải lý luận về nguồn gốc
các ngôn ngữ một cách hoàn toàn khác với những gì người ta đã làm cho đến nay.
Tinh hoa của các ngôn ngữ Đông phương-những ngôn ngữ xa xưa nhất mà chúng
ta biết được-tuyệt đối phủ nhận hướng đi giáo huấn mà người ta tưởng tượng
trong việc tạo thành chúng. Các ngôn ngữ này không có chút chi là tính phương
pháp và tính lý luận, mà chúng rất linh hoạt và bóng bẩy (2). Người ta đã bảo
chúng ta rằng ngôn ngữ của những con người đầu tiên là ngôn ngữ của những nhà
thơ.
Điều đó hẳn phải thế. Người ta đâu có bắt đầu bằng lý luận mà bằng cảm thụ. Có
người cho rằng loài người phát minh ra tiếng nói để diễn tả những nhu cầu của họ
(3); tôi thấy quan điểm này coi bộ khó đứng vững. Hiệu ứng tự nhiên của những
nhu cầu đầu tiên làm cho người ta xa nhau chứ không phải kéo người ta lại gần
nhau (4). Lý sở đương nhiên phải là như thế để cho loài người dàn trải rộng ra và
mặt đất nhanh chóng có dấu chân người; nếu không thế loài người đã co cụm
trong một góc của hành tinh này và phần còn lại vẫn hoang vắng không một bóng
người (5).
Từ sự kiện đó không thôi thì hậu quả hiển nhiên là nguồn gốc các ngôn ngữ
không hề do những nhu cầu đầu tiên của con người; sẽ là phi lý nếu từ nguyên
nhân làm họ xa rời nhau lại đưa đến phương tiện giúp họ hợp quần với nhau. Vậy
thì cái nguồn gốc này có thể đến từ đâu? Những nhu cầu tinh thần, những thụ
cảm. Tất cả những thụ cảm kéo con người lại gần nhau, những con người mà từ
ban đầu, cái nhu cầu sống còn khiến họ phải tách rời nhau. Không phải vì đói,
cũng chẳng phải tại khát, nhưng chính tình yêu, lòng thù hận, lòng thương xót, sự
giận dữ…đã khiến con người thốt ra những tiếng đầu tiên. Trái cây đâu có lẩn
trốn khi chúng ta vươn tay ra hái chúng; người ta có thể hưởng dụng chúng mà
không phải nói năng gì; người ta âm thầm truy đuổi con mối mà người ta muốn
xơi cho đầy bụng; nhưng để làm rung động một trái tim non trẻ, để đẩy lùi một kẻ
gây sự bất công, thiên nhiên phú cho ta những giọng du dương hay những tiếng
hét, những lời thở than (6): những tiếng cổ xưa nhất được phát minh ra như thế và
do đó tại sao những ngôn ngữ đầu tiên giống như tiếng hét và đầy biểu cảm trước
khi trở nên đơn giản và có phương pháp. Tất cả những điều này không phải đều
đúng cả, không có phân biệt; nhưng tôi sẽ trở lại đề tài này.