Một khoái lạc thì không khác với một khoái lạc khác, cũng chẳng dễ chịu hơn
một khoái lạc khác. Tất cả mọi sinh vật đều tìm kiếm khoái lạc và tránh né đau
khổ. Qua từ khoái lạc, họ chỉ nghĩ đến khoái lạc của cơ thể mà họ lấy làm cứu
cánh chứ không phải thứ khoái lạc trong trạng thái tĩnh (le plaisir en repos) (2) hệ
tại ở chỗ vắng mặt đau khổ và sự rối loạn, mà Epicure bảo vệ và coi là cứu cánh -
Đàng khác họ tin rằng cứu cánh khác với hạnh phúc, vì đó là một khoái lạc đặc
thù (3) trong khi mà hạnh phúc là một toàn bộ những khoái lạc đặc thù, trong đó
phải tính đến cả những khoái lạc đã qua và những khoái lạc sắp đến.
Họ cũng nghĩ rằng khoái lạc đặc thù tự nó là một đức hạnh và rằng hạnh phúc tự
nó không phải là đức hạnh mà bởi những khoái lạc đặc thù cấu tạo nên nó. Bằng
chứng cho cứu cánh là khoái lạc đó là ngay từ nhỏ và không cần lý luận, chúng ta
đã thích làm quen với khoái lạc, và khi chúng ta đã đạt được, thì chúng ta không
còn thèm muốn gì nữa; trái lại chúng ta không chạy trốn cái gì hơn là đau khổ, là
thứ đối nghịch với khoái lạc - Họ cũng nghĩ rằng khoái lạc là điều thiện dầu cho
nó đến từ những chuyện rất đáng xấu hổ (xem Hippobote (4) quyển Các trường
phái): hành động có thể là đáng xấu hổ nhưng khoái lạc mà người ta rút ra được
từ đó thì tự thân nó là một đức hạnh và là điều thiện. Còn về sự vắng mặt của đau
khổ, mà Épicure đề cao, họ tuyên bố đó không phải là một khoái lạc, cũng như sự
vắng mặt của khoái lạc đối với họ không phải là đau khổ (5). Thực vậy, cả hai hệ
tại nơi chuyển động; vậy mà sự vắng mặt của đau khổ cũng như sự vắng mặt của
khoái lạc đều không phải là những chuyển động: không đau khổ thì cũng giống
như trong trạng thái một người đang ngủ, thế thôi. Họ thú nhận rằng có thể có
những người do suy nghĩ lệch lạc, nên không chịu đi tìm khoái lạc. Họ thêm rằng
tất cả những khoái lạc và tất cả những đau khổ của tâm hồn không nẩy sinh từ
những cảm thụ tương tự của thân xác - Nhìn thấy tổ quốc mình phú cường tạo ra
nơi con người một lạc thú tương tự như khi người ấy ý thức rằng mình đang hạnh
phúc - Họ cũng chủ trương ngược lại với Épicure, rằng hoài niệm hay sự chờ đợi
những sự kiện vui thú không tạo thành một khoái lạc, bởi vì thời gian làm yếu đi
và phá huỷ chuyển động của tâm hồn và những đau đớn của cơ thể thì nặng nề
hơn là những nỗi khổ của tâm hồn (vậy nên người ta chẳng trừng phạt kẻ phạm
tội bằng nhục hình đó sao?). Xét rằng đau khổ là nặng nề và khoái lạc thì thân
thiết với chúng ta hơn, họ thích tìm kiếm khoái lạc hơn. Mà thực hiện một toàn