Đối với một nhà điêu khắc mọi cái đều biến thành hình tượng và ngay từ khi nhỏ
tuổi, anh ta đã dùng đất sét để cấp cho nó một hình thức, và nói chung, tất cả
những gì cổ vũ các tài năng này, tất cả những gì họ hình dung đều lập tức biến
thành hình tượng, tranh vẽ, nhạc điệu hoặc bài thơ.
3. Thứ ba, trong một quan hệ nhất định, ngay cả nội dung của nghệ thuật vay
mượn ở lĩnh vực cảm quan, ở tự nhiên, và nếu như ngay cả nội dung cũng mang
tính chất tinh thần, thì người ta tiếp thu nó làm thế nào để cho yếu tố tinh thần ở
đấy (chẳng hạn các quan hệ nhân tính) được thể hiện dưới hình thức một hiện
thực bên ngoài.
Friedrich HEGEL, Những bài giảng về Mỹ học, Dẫn luận, ch. II.
Nghệ thuật chỉ là moment đầu tiên của tinh thần tuyệt đối (L’art que le
premier moment de l’esprit absolu)
Vì sự hạn chế mà cái khả giác ấn định cho nó, nghệ thuật không thể kỳ vọng là Ý
niệm trong chân lý tuyệt đối của nó. Trong lãnh vực của tinh thần tuyệt đối, nghệ
thuật chiếm một vị thế không cao bằng tôn giáo tiếp liền theo nó khi thay thế tính
ngoại tại khả giác bằng tính nội tại của sự tĩnh tâm, tính nội tại vốn là đặc điểm
của khái niệm như là chủ thể tính. Âm nhạc và thi ca thực hiện bước quá độ với
tư cách là những nghệ thuật của tính nội tại.
Lịch sử nghệ thuật kết thúc với các nghệ thuật lãng mạn (theo nghĩa của Hegel),
mọi sáng tạo tương lai tất yếu sẽ ghi khắc trong khuôn mặt siêu hình học cuối
cùng này. Đó là ý nghĩa ta phải gán cho “kết thúc của nghệ thuật”. Sẽ không còn
phải là nghệ thuật, hay ngay cả tôn giáo, nhưng chính khoa học triết học, trong
thời hiện đại, mới có thể thoả mãn nhu cầu tuyệt đối. Sự kết thúc của nghệ thuật
đồng thời cũng đánh dấu sự bắt đầu của mỹ học.
Những bài giảng này bàn về mỹ học. Đối tượng của nó là vương quốc cái đẹp
rộng lớn, đúng hơn, lĩnh vực nghệ thuật, hay đúng hơn nữa, lĩnh vực sáng tác
nghệ thuật.
Thực ra, danh từ Aesthetik (“mỹ học”) không hoàn toàn thích hợp với đối tượng
chúng ta khảo sát, bởi vì mỹ học kể ra chỉ là khoa học, khảo sát cảm giác, tình