cảm. Nếu hiểu như vậy, thì mỹ học đã nảy sinh ở trong trường phái Vônpho với
tính cách một khoa học mới, hay ít nhất là với tính cách mầm mống của một nền
triết học tương lai. Trong lúc đó, ở Đức vẫn quen khảo sát các tác phẩm nghệ
thuật trong mối liên hệ với những tình cảm mà chúng khêu gợi lên - chẳng hạn
liên hệ với khoái cảm, tình cảm ngây ngất, sợ hãi, cảm thương…
Bởi vì tên gọi “Asthetik” là không thích hợp và có tính chất hời hợt, cho nên đã
xuất hiện những cố gắng muốn sáng tạo một danh từ khác. Chẳng hạn, người ta
đã đề nghị danh từ Kallistik. Nhưng tên gọi này cũng tỏ ra không ổn bởi vì cái
khoa học chúng ta bàn đây không khảo sát cái đẹp nói chung, mà chỉ khảo sát cái
đẹp ở trong nghệ thuật mà thôi. Do chỗ bản thân tên gọi đối với chúng ta không
phải là quan trọng, chúng tôi sẵn sàng giữ danh từ “mỹ học”, nhất là vì nó đã
được khẳng định ở trong tiếng nói hàng ngày. Tuy vậy, cách biểu hiện duy nhất
đáp ứng nội dung khoa học của chúng trong đó là “triết học về nghệ thuật”, hay
chính xác hơn nữa, “triết học của sáng tác nghệ thuật”.
1. Cái đẹp trong tự nhiên và cái đẹp trong nghệ thuật.
Sau khi đã chấp nhận định nghĩa nói trên, chúng ta, do đó, ngay lập tức loại trừ
cái đẹp trong tự nhiên ra khỏi đối tượng của chúng ta. Giới hạn đối tượng như thế
một phần có vẻ võ đoán. Người ta vẫn quen cho rằng khoa học nào cũng có
quyền tuỳ ý quy định ranh giới lĩnh vực của mình căn cứ vào cách mình khảo sát.
Nhưng không nên quan niệm ranh giới mỹ học là lĩnh vực cái đẹp nghệ thuật theo
nghĩa như vậy.
Trong đời sống hàng ngày, người ta vẫn thường nói đến một màu đẹp, một bầu
trời đẹp, một con sông đẹp, những con người đẹp. Chúng ta hãy khoan đi sâu vào
những cuộc tranh luận về chỗ cấp tính chất đẹp cho những đối tượng như vậy, và,
do đó, nêu lên cái đẹp trong tự nhiên, bên cạnh cái đẹp của nghệ thuật là có thể
chấp nhận đến mức độ nào. Ngay giờ đây, chúng ta đã có thể khẳng định rằng cái
đẹp trong nghệ thuật là cao hơn cái đẹp trong tự nhiên. Sở dĩ thế là vì cái đẹp
trong nghệ thuật là nẩy sinh và được tái hiện trên cơ sở tinh thần và bởi vì tinh
thần và các sản phẩm của tinh thần là cao hơn tự nhiên và các hiện tượng tự
nhiên, cho nên cái đẹp nghệ thuật cũng cao hơn cái đẹp của tự nhiên.