TRIẾT HỌC TÂY PHƯƠNG TỪ KHỞI THỦY ĐẾN ĐƯƠNG ĐẠI - Trang 134

học được từ kịch tác gia này rằng người ta có thể tạo ra một màn cảnh sân khấu
triết học (un spectacle philosophique) trong đó những gì người ta cho thấy cũng
như những gì được nói ra, có thể là chất liệu cho suy tư và trở thành bài học cho
khán giả hay độc giả. Như vậy việc dùng hình thức đối thoại như cách diễn đạt
cao nhất của thú tiêu khiển triết học là Platon mang nợ từ Epicharme vậy. Một tác
gia khác ở thành Syracuse (thủ phủ đảo Sicile) là Sophron, cũng viết những tác
phẩm hài kịch mang tính triết lý mà Platon rất thích thưởng thức đến độ người ta
tìm thấy mấy vở kịch này dưới gối ông sau khi ông mất.

Cuộc lưu trú ở Sicile kết thúc trong bi kịch. Vì Platon bị đe doạ nên Dion lẻn đưa
ông xuống một chiếc tàu chiến của người Sparte bị buộc phải cập bến ở Egine,
trong cuộc chiến chống lại Athène. Platon bị bắt làm tù binh, bị bán làm nô lệ rồi
được Annicéris, một người ở Cyrène, chuộc ra và giải phóng.

Thời điểm thành lập Académie là vào khoảng 388 - 387 tr.CN. Lúc đó Platon bốn
mươi tuổi. Ông sẽ giảng dạy tại đó cho đến khi mất vào năm 347 tr.CN. Hào
quang của Académie, học viện do ông lập ra, ngày càng toả sáng - Đây là một
trường Đại học, đặt cơ sở trong những khu vườn ở Académos với nhiều cây ngô
đồng do thầy trò ông trồng. Trường dạy mọi khoa học, văn học, chính trị, và hành
chánh. Học viện Académie không chỉ đào tạo các triết gia và nhà bác học mà còn
cả những nhà lãnh đạo chính trị. Nơi kinh đô văn vật Nhã Điển (Athènes) sự cạnh
tranh về thế giá trí tuệ là rất lớn. Platon và Isocrate đứng đầu hai ngôi trường
danh tiếng nhất, đối địch nhau. Démosthène, nhà hùng biện lừng danh, lúc đầu
học ở trường của Isocrate nhưng hoàn tất việc học ở trường của Platon,nơi ông
kết bạn với người đồng môn lỗi lạc là Aristote.

Sau cái chết của Denys đệ nhất, Dion và Platon đã nuôi hy vọng (hão huyền) về
tính chất thích triết học của Denys đệ nhị, cháu và là người kế vị của ông vua
trước. Đó là điều đã hai lần, năm 366 tr.CN, khiến Platon trở lại Sicile. Cuộc hành
trình thứ nhì kết thúc bằng việc lưu đày Dion và lệnh trục xuất Platon; đến lần thứ
ba, người thầy của Académie quay lại Sicile để biện hộ cho Dion, nhưng rồi chỉ
hoài công. Denys đệ nhị ra lệnh quản thúc ông tại gia, cấm đi xa nửa bước. May
nhờ Archytas hết lòng cứu nguy, ông mới được cho về cố hưông để theo đuổi sự
nghiệp giáo dục cho đến lúc mất.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.