Nếu việc giảng dạy bằng lời của Platon chỉ được biết đến gián tiếp qua Aristote
và những nhà bình luận về sau, thì những tác phẩm công truyền của ông đều đến
được với chúng ta, cùng với những Đối thoại và những Thư từ, mà một số là thật
và một số là nguỵ tạo. Nói thế có nghĩa là vấn đề về tính xác thực đã có từ xưa và
từng được đặt ra bởi những nhà xuất bản đầu tiên từ thời Thượng cổ, như
Aristophane de Byzance vào thế kỷ thứ ba tr.CN và Thrasylle vào thế kỷ thứ nhất
của CN. Vào thế kỷ mười chín, một nhà thông thái như F.Ast, tác giả của bộ sách
rất quý Lexicon Platonium, còn đi đến chỗ phủ nhận tính chân thực của các đối
thoại Apologie, Criton, Hippias Majeur và Mineur, Ion và Ménéxène.
Schleiermacher nghi ngờ rằng quyển Criton không hẳn là một đối thoại triết lý
thực sự, mà chỉ là một bút ký do Platon tiện tay ghi lại về một cuộc đàm đạo diễn
ra qua những từ ngữ đó. Và Ast không dừng lại ở đó, phủ nhận cả việc Platon đã
viết Ménon và Luật lệ - Một trong những người kế tục ông, Socher, thì muốn phủ
nhận tính chân thực của Parménide, của Sophiste, của Politique và của Critias.
Trong thời đại của chúng ta, việc dùng máy điện toán cho phép rọi những luồng
tia sáng có ý nghĩa và rất thuyết phục về tính chân thực và biên niên sử của tác
phẩm. Những công trình này là do L.Brandwood, người xuất bản quyển Word -
Index to Plato, Leeds 1976. Công trình này đặt cơ sở trên một phân tích từ ngữ và
văn phong. Đây là cách xếp loại mà ông đề nghị:
Những tác phẩm chân thực
Nhóm 1A. (chỉ sắp theo thứ tự alphabet)
Apologie de Socrate, Charmide, Criton, Euthyphron, Petit Hippias, Ion, Lachès,
Protagoras.
Những đối thoại này có trước hoặc chỉ sau một tí, cái chết của Socrate.
Nhóm 1B. (thứ tự alphabet)
Banquet (Bữa tiệc), Cratyle, Euthydème, Gorgias, Grand Hippias, Lysis,
Ménéxène, Ménon, Phédon.