tiên, khoa giải phẫu học cơ thể cho phép tập hợp những loài tương cận thành
những nhóm rộng lớn hơn (giống, họ, giới, lớp, nhánh…) luôn luôn theo cơ cấu
của chúng.
Tiếp theo, bên cạnh những chủng loại mà người ta có thể quan sát, còn có những
chủng loại khác chỉ được biết đến qua những dấu vết hay những tàn dư tiêu biểu
từ một loại lớp đất. Nếu người ta chấp nhận rằng những lớp đất xưa nhất thường
nằm dưới những lớp đất cận đại hơn, người ta khám phá ra rằng một vài loài đã
biến mất sau một thời gian rất phồn mậu và ngược lại nhiều loài ngày nay rất
thường thấy thì lại chưa từng có mặt trong những lớp đất xưa hơn.
Cuối cùng khoa địa lý chỉ ra rằng động vật và thảo mộc không phải được phân bổ
một cách bất kỳ, ngẫu nhiên trên mặt đất: mỗi vùng trên địa cầu có một hệ thực
vật và hệ động vật đặc thù.
Lamark: thuyết tiến hoá đầu tiên
Từ năm 1800, Jean-Baptiste Lamark (1744 - 1829) đề xuất một lý thuyết có khả
năng giải thích toàn bộ những sự kiện này. Ông tóm tắt lý thuyết của mình, vào
năm 1809, trong quyển Philosophie zoologique (Triết học về động vật) bằng hai
nguyên lý sau đây:
- Thiên nhiên đã liên tục tạo ra tất cả những dạng sự sống, bắt đầu bằng những
dạng đơn giản nhất và kết thúc bằng những dạng phức tạp nhất.
- Các con thú và các loài cây cỏ trong khi lan truyền trên mặt địa cầu gặp phải
những cảnh ngộ khác nhau, điều này đã cho chúng những tập quán khác nhau và
đã biến đổi tổ chức của chúng.
Với các luận điểm đó, còn phải thêm rằng, Lamark, một đàng, nhận định rằng
những tính cách thủ đắc bởi một cá nhân có thể được lưu truyền cho hậu duệ của
y, đàng khác, rằng đời sống có thể sinh ra từ vật chất, bằng hiện tượng ngẫu sinh
(génération spontanée). Về sau, những giả thuyết này đã bị các nhà sinh học bác
bỏ, nhưng vào thời đó nó đã gây nên những cuộc tranh luận sôi nổi.