khi mà cái sống kia lại là tặng phẩm của những vị thần hảo tâm mà lẽ ra người ta
phải tri ân? Và làm sao cái khinh thường sự sống kia lại có thể được coi như là
cao thượng? - Tuy nhiên, đối với chúng ta, các điều nhận xét trên đây, xác nhận:
1)- rằng ý chí sống là yếu tính thâm hậu nhất của con người - 2)- rằng tự nó, nó
thiếu hẳn tri thức, mù quáng - 3)- rằng tri thức là một nguyên tố thêm thắt, xa lạ
đối với nó từ nguyên thuỷ - 4)- rằng nó tự chiến đấu với nó và rằng sự phán đoán
của chúng ta tán thành sự đắc thắng của tri thức trước ý chí.
Nếu cái khiến ta sợ cái chết quá đỗi lại là cái tư tưởng phi hữu thì ta hẳn phải kinh
sợ không kém khi liên tưởng đến cái thời gian mà ta chưa ra đời. Vì đó là một
điều xác thực hiển nhiên, rằng cái phi hữu sau khi chết cũng chẳng khác gì cái phi
hữu trước khi sinh, nên cũng chẳng đáng được thương tiếc gì hơn. Cả một thời
gian vô tận hằng trôi qua khi chưa có ta, mà nào ta có sao đâu. Vậy thì sau một
màn phụ chốc lát của một kiếp sống phù du, lại một thời gian vô tận thứ hai tiếp
diễn trong đó không còn có ta, ta lại cho đó là điều khổ tâm, không sao chịu nổi
là khác. Phải chăng cái khao khát sống ấy phát sinh từ chỗ hiện giờ ta đã được
nếm mùi vị sống và đã thấy sống đầy thú vị? Như tôi từng giải thích qua, làm sao
có thể thế được. Trái lại, kinh nghiệm sống có lẽ gợi lại sự tiếc nuối vô ngần cái
thiên đàng đã mất của phi hữu. Vả lại, khi nào người ta cũng buộc liền cái hy
vọng linh hồn bất tử với cái hy vọng một “thế giới tốt đẹp hơn”, - chứng tỏ rằng
cái thế giới hiện hữu chả đáng gì.
Arthur Schopenhauer, Siêu hình Tình yêu Siêu hình Sự chết, Ch.II.