tha thiết vô biên muốn sống, nó bộc lộ ở các sự kiện trên đây, lại không phải phát
nguồn từ kiến thức hay suy tư; trước mắt suy tư, nó còn có vẻ điên rồ là khác, vì
cái giá trị khách quan của sự sống không có gì là rõ rệt, và người ta hằng phân
vân rằng sống chưa chắc gì đã hơn là phi hữu; dù cho cả kinh nghiệm và suy tư
lên tiếng nữa, phi hữu hẳn vẫn thắng cuộc. Nếu ta gõ cửa các nấm mồ và thử hỏi
các người chết xem họ có muốn sống lại không, có lẽ họ lắc đầu từ chối. Đó là ý
kiến của Socrate, trong tập Biện giải của Platon, và ngay cả cụ Voltaire vốn dĩ
khả ái vui tính cũng phải thốt lên rằng: “Người ta thích sống nhưng hư không
không phải là không hay” và còn nữa:”Tôi không biết thế nào là kiếp sống vĩnh
cửu, nhưng đó là chuyện bá láp”. Vả lại sống trước sau gì rồi chả mấy chốc cũng
chấm dứt, cho nên số năm ngắn ngủi mà người ta có lẽ còn được sống hoàn toàn
biến hẳn trước cái nhìn của thời gian vô tận mà trong đó người ta sẽ không còn
nữa. Vì thế, trước mắt suy tư, thật là quá khôi hài khi người ta lại quá bận tâm
đến cái thời gian ngắn ngủi ấy, lại quá run rẩy khi mạng sống ta hay mạng sống
kẻ khác lại lâm nguy, lại soạn những vở tuồng bi đát mà đề tài chính chẳng qua
chỉ là sợ chết. Vì vậy, cái thái độ cố bấu víu lấy sống kia là phi lý và mù quáng; lý
do chỉ vì rằng tất cả bản thể chúng ta tự nó đã là ý muốn sống rồi, cho cái sống dù
cay đắng, dù ngắn ngủi và dù bấp bênh đến đâu đi chăng nữa, hẳn vẫn là cái cao
quý nhất, và cái ý chí kia tự nó và trong nguyên lý của nó vốn không có tri thức
và mù quáng.
Tri thức, thay vì nằm ở nguồn gốc của sự tha thiết với đời sống, trái lại càng
chống đối sự tha thiết này, bằng cách tiết lộ rằng đời sống này chả có gì đáng quý
và do đó đánh đổ cái sợ chết. - Vì vậy mà khi biết rằng mình phải chết, kẻ nào lại
đủ can đảm và tỉnh táo để đối diện với thần chết, kẻ đó được thiên hạ khâm phục
vì thái độ cao thượng ấy: như thế là ta hoan nghênh sự đắc thắng của khả năng tri
thức trước cái sống mù quáng, mặc dầu cái muốn sống này chính là trung tâm của
bản thể chúng ta. Vì vậy mà ta khinh bỉ kẻ để tri thức ngã gục trong cuộc chiến
đấu này, kẻ cố bám víu lấy sự sống bằng mọi giá, kẻ cố sức vùng vẫy trước cái
chết nó lừ lừ tiến tới và đón tiếp hắn trong tuyệt vọng, và tuy nhiên đó mới chỉ là
yếu tính nguyên thuỷ của cái ngã của chúng ta và của thiên nhiên được biểu diễn
nơi hắn. Cũng xin nói qua rằng làm sao cái yêu sống vô hạn với cái nỗ lực để duy
trì lấy nó bằng đủ mọi cách càng lâu hay lại bị coi như là đê tiện đáng khinh, và
đối với các tín đồ của một tôn giáo, như không xứng đáng với tôn giáo của mình,