cánh mà tất cả các tôn giáo và tất cả các triết hệ đều lấy làm cứu cánh chính; do
đó, tôn giáo và triết hệ trước hết là phương thuốc giải độc mà lý trí suy tư tự lực
tạo ra để chống lại cái tin chắc phải chết. Tuy nhiên, họ đạt mục đích ở những
mức độ chênh lệch khác nhau, và thật ra, có tôn giáo hay triết hệ giúp con người
có khả năng nhìn tận mặt cái chết một cách bình thản hơn là tôn giáo khác hay
triết hệ khác. Bà la môn giáo và Phật giáo dạy con người tự coi mình là hữu thể
vô thượng, là phạm thiên, vốn không biết có sinh diệt nên đã thành công hơn hẳn
các tôn giáo cho rằng con người được cấu tạo từ hư không và thực sự lấy sinh
làm khởi đầu cho đời sống thụ nhận từ một kẻ khác. Vì vậy mà ở Ấn người ta có
một thái độ bình thản khinh thị cái chết mà ở Âu người ta thiếu hẳn. Quả thật là
một điều đáng ngại khi in sâu vào đầu óc con người ngay từ lúc ấu thơ những
quan niệm kém cỏi không vững chắc trong một địa hạt quan trọng như thế, khiến
nó không còn bao giờ dám chấp nhận những quan niệm xác đáng hơn và vững
vàng hơn. Dạy nó rằng nó chỉ từ hư không sinh ra trong một thời gian ngắn, để
rồi đời đời nó chả là gì cả, ấy thế mà mai sau nó tất sẽ bất diệt, thật ra có khác gì
là dạy nó rằng, tuy nó hoàn toàn là công trình của một kẻ khác, nó lại phải đời đời
chịu trách nhiệm về các tác động và hành vi của nó. Thật vậy, về sau, một khi đầu
óc nó đã chín muồi, nó suy tư cặn kẽ, và nhận thấy cái tính chất bấp bênh của các
chủ thuyết kia, nó không còn có gì hơn để thay thế; hơn nữa, nó cũng không còn
khả năng để hiểu những cái gì có giá trị hơn, và rồi không có được sự an ủi mà
thiên nhiên cũng dành cho nó để làm đối lực cho cái tin chắc phải chết. Chính vì
có một sự biến chuyển như thế mà hiện nay (1884) ta thấy ở Anh, trong số công
nhân nhà máy sa đoạ, có những phần tử xã hội, và ở Đức, trong số sinh viên sa
đoạ có những phần tử hê-ghê-liên sa đoạ đến mức chủ trương một quan niệm
tuyệt đối vật chất đưa đến cái hậu quả là: édite, bibite, post mortem nulla voluptas
(ăn đi, uống đi, chết rồi hết thú), quan niệm do đó có thể gọi là chủ nghĩa cầm
thú.
Tuy nhiên, sau mọi cái gì từng được dạy về cái chết, người ta không thể chối
nhận rằng ngay ở châu Âu, quan niệm của thiên hạ, ngay cả quan niệm của cùng
một cá nhân, thường đưa đẩy từ quan niệm chết như một sự huỷ diệt tuyệt đối,
cho đến sự tín ngưỡng rằng chúng ta là một thứ bất tử bằng xương bằng thịt. Cả
hai đều sai; tuy nhiên, chúng ta không cần phải đi tìm một thế đứng trung dung