TRIẾT HỌC TÂY PHƯƠNG TỪ KHỞI THỦY ĐẾN ĐƯƠNG ĐẠI - Trang 1355

mà cần tìm một quan điểm cao siêu hơn kia, theo đó mà các quan niệm tự chúng
loại trừ nhau.

Trong thiên khảo luận này, tôi muốn trước hết khởi đi từ một quan điểm hoàn
toàn thường nghiệm. - Điều chúng ta được thấy trước hết là điều không thể phủ
nhận rằng, theo trực giác của ý thức thiên nhiên, con người không những chỉ sợ
chết hơn mọi cái gì khác cho chính bản thân mình, mà sở dĩ nó còn khóc nức
khóc nở trước cái chết của những người thân yêu, và khóc công khai, chẳng phải
vì ích kỷ, vì thiệt thòi cho mình, mà vì thương xót cho cái tai hoạ lớn nó đã xảy
đến cho kẻ khác; vì thế cho nên nó trách là vô tâm vô tình kẻ nào, trong những
trường hợp như thế, lại không nhỏ lệ và không tỏ ra đau buồn. Song song, ta cũng
có thể kể ra trường hợp khao khát trả thù mà khi ở vào tột độ, thường tìm cái chết
của địch thủ như thể là cái tai hoạ lớn nhất có thể giáng lên hắn. Quan niệm thay
đổi theo thời theo chốn: nhưng thời nào hay chốn nào thì tiếng nói của thiên
nhiên vẫn là một và do đó vẫn phải được nghe trước hết. Mà trong trường hợp
này, hầu như nó xác định rõ ràng rằng cái chết là một tai hoạ lớn. Trong ngôn ngữ
của thiên nhiên, chết có nghĩa là tiêu diệt. Bảo rằng chết là chuyện hệ trọng cũng
là điều dễ hiểu, vì ai nấy đều biết, sống không phải là một chuyện đùa. Chắc chắn
là chúng ta cũng chẳng đáng được gì hơn là sống với chết.

Thật ra, cái sợ chết không ăn nhằm gì đến cái biết; vì con vật cảm thấy cái chết,
mặc dầu không biết cái chết. Trên thế gian này, cái gì được sinh ra là mang theo
cái chết ở nó. Nhưng cái sợ trước về cái chết kia chỉ là sự thất bại của ý chí sống,
mà chúng ta đều có dự phần. Vì thế cho nên mọi con vật bẩm sinh đã mang sẵn
cái sợ bị tiêu diệt, cũng như cái lo lắng tự tồn; do đó chính cái sợ đó, chứ không
riêng gì sự lẩn trốn trước đau khổ, đã bộc lộ ở thái độ thận trọng băn khoăn của
con vật lo tìm sự an toàn cho mình, và hơn thế nữa cho sự an toàn của con mình,
trước tất cả những cái gì có thể trở thành nguy hiểm cho chính mình và con mình.

Tại sao con vật lại chạy trốn? Tại sao nó lại run rẩy và tìm cách ẩn mình? Vì nó là
ý chí sống thuần tuý và, do đó, tất phải chết, và vì nó muốn tranh thủ thời gian.
Mà cả con người cũng thế vì bản chất. Cái tai hoạ lớn nhất, mối đe doạ đáng sợ
nhất có thể có, chính là cái chết; cái sợ ghê gớm nhất, chính là cái sợ chết. Vì thế
nên không gì nhất thiết làm ta xúc động mạnh mẽ hơn là đời sống của kẻ khác
đang cơn nguy cấp, không gì khủng khiếp hơn là một cuộc hành hình. Nhưng sự

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.