Thuyết duy hiện tượng (Phénoménisme)
Sự cách ly bạo liệt giữa vật tự nội với hiện tượng (la séparation violente du
noumène et du phénomène), được Kant chuẩn nhận, nở hoa trong chính kết quả
của bộ Phê phán lý tính thuần lý, bởi vì vật tự nội, như Kant hiểu, cuối cùng bị
loại trừ khỏi tri thức. Về cái mà ta chẳng biết tí gì, thì cũng không thể nói cái mà
ta chẳng biết tí gì hay quyết cái gì được, ngay cả việc nó có tồn tại hay không bởi
vì ít ra ta phải có khái niệm lờ mờ rằng nó, là cái gì mà người ta nói tới và cho
rằng tồn tại. Lập luận duy nhất mà tôi biết trong những tác phẩm của Kant đã
bênh vực cho sự tồn tại của vật tự nội cách ly với mọi hiện tượng, đó là ngay khi
mà một vật gì xuất hiện (hiện tượng), thì phải có một cái gì (vật tự nội) nó xuất
hiện (1). Nhưng đó chỉ là một lộng ngôn thuần tuý (un pur jeu de mots). Ý nghĩa
duy nhất mà tất cả sự chú ý của tôi phân biệt được ở đó là điều này: nếu những
vật xuất hiện thì cũng phải có cái gì đó tồn tại độc lập với những tính chất và
hành vi xuất hiện (xuất hiện cho chính mình cũng như cho tha thể). Tôi hiểu phát
biểu này, thật thế, nhưng rồi cũng chỉ có thế; tôi không thấy có cái gì làm điểm
tựa vững chắc cả.
Charles RENOUVIER, Khảo luận thứ nhất trong phê phán tổng quát.
Kant: Phê phán lý tính thuần tuý, Lời tựa cho lần xuất bản thứ nhì.
Thuyết hữu hạn (Finitisme)
Tất cả những gì hiện hữu tất yếu tạo thành một toàn thể xác định, vậy là tuân theo
định luật về số lượng. Ý tưởng số vô hạn là mâu thuẫn. Không có vô hạn thực sự,
không có thực tại nào vô biên. Cùng lúc, mọi kêu gọi đến vô hạn đều bị loại trừ,
những phản đề trong các antinomies của Kant.
Với một toàn thể xác định, một con số là luôn luôn xác định. Từ những vật đang
tồn tại, hay từ những thành phần nào đó của những vật này luôn luôn sẽ tạo thành
những số lượng, nghĩa là những con số xác định, khác với mọi con số khác.
Không có điều đó thì không có biểu tượng, dầu hiện thực, hay khả thi, về một
toàn thể (a).
Charles RENOUVIER, Tác phẩm đã dẫn, t.29.