những trích dẫn của những tác giả ít xưa hơn; họ cũng hiếm khi chạm đến được
những cổ thư càng ngày càng trở nên cực hiếm. Những lời biết ơn trân trọng cần
được dành cho Simplicius, một nhà tư tưởng theo Platon sống vào thế kỷ thứ sáu
của Công nguyên, đã dụng công chép tay lại nhiều bản triết văn trước Socrate mà
ông có được. Nhưng tính chất manh múm này sẽ chỉ gợi nên hối tiếc thôi, nếu
như nền văn chương triết học này chỉ có khuyết điểm duy nhất là thiếu sót thôi.
Thế nhưng còn có mặt khó cứu vãn hơn nữa. Những đoạn văn này là những đoạn
trích tuyển và người đọc có khuynh hướng tất yếu gán cho những ngôn từ cổ này
ý nghĩa mà họ có được, như từ archè, gốc cây, đã trở thành nguyên lý của các triết
gia, từ Hylè, gỗ, nguyên liệu, đã trở thành vật chất của Aristote, từ Logos, lời nói,
trở thành lý trí nơi Héraclite cùng lúc với lửa, trước khi trở thành chắc chắn như
thế đối với những triết gia khắc kỉ. Vậy nên, quả là rất khó, bởi vì những chứng
nhân của nền triết học xa xưa nhất không tránh được cạm bẫy muốn thuần hoá
những từ ngữ cổ bằng cách dung nạp chúng vào tư tưởng của chính họ, tháo bỏ
những bất đẳng thời (anachronismes) chúng biến những phản ánh xa xưa thành
những hình tượng hiện đại về phương diện khái niệm.
Những triết gia trước Socrate
Điều chúng ta biết được, đó là sự truy vấn triết lý, như Proclus nói vào thế kỷ thứ
năm, ban đầu mang hai hình thức. Hình thức Ionie, hay đúng hơn là Milet, từ
khởi thuỷ đi tìm archè, (gốc rễ hay nguyên lý) một và nguyên sơ nhất, đã tạo nên
mọi hữu thể khác bằng cách tự phức hoá. Đó là nước, theo Thalès, khí theo
Anaximène, cái vô hạn, theo Anaximandre, học trò của người thứ nhất và là thầy
của người thứ nhì. Người ta có thể tạm gọi đó là một thứ chủ nghĩa duy vật trước
khi có từ này. Từ gốc rễ này phái sinh những nguyên tố; nhưng từ Hy Lạp
stoicheion để chỉ nguyên tố (đất, nước, khí, lửa) thật ra đã mang ý nghĩa này vào
thế kỷ thứ sáu trước CN hay chưa?
Một hình thức thứ hai, ở Ý, đầu kia của Địa Trung Hải, hệ tại ở chỗ tìm kiếm đâu
là nguyên nhân thực sự của quyết định khiến cho mọi hữu thể tồn tại và cho phép
ta hiểu chúng, ngay cả đo lường chúng. Nguyên nhân này là một con số, một thực
thể khả niệm, và tư tưởng tự động hoá với hữu thể là sự đo lường một cách
nghiêm xác. Những nhà tư tưởng theo Pythagore rồi, những triết gia Éléate như
Parménide và Zénon d’ Élée, tư biện về Nhất thể, về hữu thể, rồi về cái giới hạn