với giác quan; những vật tự thân (choses en soi) đó là những ý niệm (idées) hay
những mô thể (formes).
Biện chứng pháp (la dialectique) được Platon quan niệm theo mô hình của Zénon
d’ Élée, là một phương pháp khoa học và triết học ưu việt. Nó hệ tại ở chỗ, sau
khi vươn lên đến Nhất thể và Thiện thể, lại trở xuống những nấc thang của thực
tại. Cuối cùng người ta chạm vào những chủng loại tối hậu mà sự phân chia tất
yếu phải dừng lại, để nắm bắt được phức tính thuần tuý (la multiplicité pure) và
sự bất định (l’ indétermination) nằm ở đáy của thực thể khả giác. Nhưng cái khả
giác và cái khả niệm không cách ly nhau đến độ tạo nên hai thế giới khác hẳn
nhau: những cái khả niệm có thể hiện hữu và thực sự hiện hữu riêng biệt, nhưng
chức năng của chúng là tham thông (participer) và làm cho một bản tính trở thành
một sinh thể khả tri thực sự tồn tại. Thần sáng tạo (Démiurge) trong đối thoại
Timée, kẻ tạo ra linh hồn và tạo dáng thế giới, luôn hướng nhìn về những nguyên
mẫu khả niệm (archétypes intelligibles) còn đôi tay hướng về cái vô hạn định (l’
illimité) mà ông phải biến thành thường hằng bằng cách đưa vào một quy cách đo
lường để định thái nó và đồng thời bất động hoá nó. "Thượng đế, như Platon nói
trong quyển Vạn pháp, là thước đo của mọi sự". Trong bức tranh tường vĩ đại
Những trường phái ở Athènes, Raphael đã vẽ ngón tay trỏ của Platon chỉ về Nhất
thể và những ý niệm.
Còn Aristote lại giang tay về sự vật. Nói thực ra, ông không từ khước những mô
thể của Platon. Xét đến cùng, mô thể, đối với chất thể, là lý tính, là hiện hữu và
khả niệm tính. Nhưng thực thể tồn tại rõ nhất là chất thể đầu tiên; cái gần gũi nhất
với chúng ta, mà chúng ta nhìn thấy, sờ vào, nghe được, ngửi được, nếm được là
một chất thể tự nhiên hay giả tạo, mà trí tuệ phân tích, khám phá ra đó là một hợp
thể (un composé): Hợp thể giữa mô thể và chất thể, hợp thể của cái gì trong chất
thể thuộc về cái phổ quát, và của cái gì thực hiện chức năng của chủ thể. Vật lý
của Aristote và siêu hình học nhằm nghiên cứu những nguyên lý, tìm cách khám
phá xem trong thành ngữ chất the, tự nhiên có nghĩa là gì. Cái vật cụ thể và vật
chất chứa đựng những gì trong nó, một cách nội tại, những nguyên nhân của
chuyển động hay của sinh thành rất riêng của nó? Aristote phát minh ra những
khái niệm bản tính và vật chất. Và để hiểu chuyển động hay sự thay đổi, ông cũng
rèn đúc nên khái niệm tiềm thể (puissance), theo cả hai nghĩa chủ động và thụ
động, cái gì chuyển động, và khái niệm tương quan của nó là hiển thể (acte) hay