mô thể tác động trên hợp thể, đang cho hợp thể này cấu hình (configuration) được
gọi tên bởi yếu tính (essence), định nghĩa hay khái niệm về nó. Tất cả triết học đệ
nhất của Aristote, mà sau này người ta sẽ gọi là Siêu hình học, đáp ứng nhu cầu
đặt nền tảng cho triết học tự nhiên, hay triết học đệ nhị, hay còn gọi là vật lý.
Những quan niệm về Thượng đế như là động cơ thứ nhất, về linh hồn như là khao
khát một cứu cánh là sự thiện, về đức hạnh như là tập quán và tiềm thể chủ động
(puissance active), tất cả đều được yêu cầu phải xác định những điều kiện do
những chuyển động của chất thể tự nhiên đòi hỏi.
Thời kỳ Hy Lạp và La Mã:
Làm thế nào để định tính triết học sau Aristote? Có nét chung nào không giữa
những trường phái rất đối kháng nhau như phái Épicure, phái Khắc kỉ, phái Hoài
nghi? Đời sống trí thức và khoa học của thời kỳ này mang đấy dấu ấn của những
cuộc luận chiến liên miên giữa những nhà tư tưởng đối lập nhau này. Hẳn là tất cả
đều nghĩ ngược lại với Platon và ngược lại Aristote, mặc dầu có kế thừa tư tưởng
của hai người khổng lồ này. Luận điểm đối lập chính yếu, và chung cho các
trường phái này, đó là cho rằng những ý niệm của Platon hay những mô thể của
Aristote đều chẳng có thực mà đều bất khả tri và chỉ là những sự trừu tượng hoá
hữu danh vô thực (abstractions purement nominales). Những người theo phái
Épicure và phái Khắc kỉ, trước nhất là những kẻ duy danh (nominalistes): những
khái niệm chỉ là những sản phẩm đơn thuần của lý trí, những sự trừu tượng hoá
chỉ tồn tại qua ngôn ngữ.
Tri thức đặt cơ sở trên cái gì? Trên cảm giác, là cái, cùng với Khoái lạc và Đau
khổ hoà quyện nhau chặt chẽ, tiêu chuẩn duy nhất mà Lạc viên của Épicure biết
đến. Trên cái Khả giác (le sensible), với điều kiện - triết gia Khắc kỉ xác định - là
tâm hồn phải tưởng tượng đúng về những nguyên nhân (nghĩa là những đối tượng
bên ngoài) chúng tạo ra trên tâm hồn trong trạng thái lành mạnh, những tác động
và những cảm giác mà tâm hồn ý thức được. Đó là lý thuyết Khắc kỉ về biểu
tượng được lãnh hội, biểu tượng quảng hàm hay là tri giác. Trong khi đối với các
triết gia phái Épicure thì mọi cảm giác đều đúng (nếu ở xa, ta thấy một cái tháp là
hình tròn, và khi lại gần, ta lại thấy nó hình vuông, thì cả hai tri giác này đều
đúng). Nhưng các triết gia Khắc kỉ lại đòi hỏi sự đồng thuận (assentiment). Phải