(Tractatus logico_philosophicus)
Chỉ riêng nó thôi, quyển sách mỏng này - đã làm nảy sinh những ý nghĩa trái
ngược của thuyết "thực chứng lôgích" (le positivisme logique) và thuyết "chủ
nghiệm lôgích" (l’empirisme logique) - là nguồn gốc của một cách triết lý hoàn
toàn khác mà tính độc đáo chỉ riêng thuộc về Wittgenstein và nó đã dẫn dắt ông
đến chỗ cách tân triệt để đường lối suy tư trong bộ Những thám cứu triết học sau
này nhằm hướng đến một thứ "ngữ pháp triết học" loại mới. Nguồn gốc của
những ngộ nhận, theo Wittgenstein, do ở chỗ tác phẩm gồm hai phần, phần thấy
được và phần không thấy được và chính phần thứ hai mới là phần quan trọng
nhất. Nơi nào mà độc giả chỉ thấy lôgích học và tri thức luận, thì thực ra vấn đề là
"định giới như từ bên trong" điều mà Wittgenstein gọi là "yếu tố đức lý" (das
Ethische - l’élément éthique): chính yếu tố này không thể được nói ra mà chỉ
"được chỉ ra trong yên lặng". Trong lời nói đầu, tác giả tóm tắt ý nghĩa tác phẩm
của ông như thế này "Cái gì, một cách thật đơn giản, tự để được nói ra thì được
nói ra cách rõ ràng; còn cái gì mà người ta không thể nói, thì phải yên lặng". Như
thế, quyển sách này muốn, liền một vạch, vẽ ra giới tuyến cho tư tưởng, hay đúng
hơn: _không phải cho tư tưởng, mà cho sự diễn đạt những tư tưởng. Bởi vì để vẽ
ra giới tuyến cho tư tưởng, chúng ta phải có khả năng tư duy ở cả hai bên sườn
của giới tuyến này, nghĩa là chúng ta phải có khả năng suy tư cả những gì không
chịu để cho suy tư - nói cách khác, tư nghị cả những điều bất khả tư nghị (penser
l’impensable). Như vậy giới tuyến sẽ chỉ có thể được vẽ ra trong ngôn ngữ, và cái
gì đứng ở bên kia giới tuyến này sẽ đơn thuần là vô nghĩa. "Chia phần cái khả
ngôn và cái bất khả ngôn (le dicible et l’indicible) như thế đẩy triết gia vào một
nhiệm vụ nghịch lý là làm xuất hiện cùng với mô hình của ngôn ngữ những nét
phác hoạ "mô hình lôgích của thế giới".
Cơ cấu lôgích của thế giới: không gian của mọi trạng thái sự vật khả hữu (La
structure logique du monde: l’espace de tous les états des choses possibles).
Những lời châm đầu tiên của quyển Tractatus, với một sự tiết độ giản ước, những
từ chìa khoá cần thiết cho việc mô tả cơ cấu lôgích của thế giới: "thế giới" - toàn
bộ những "sự kiện" chứ không phải là những "sự vật" - sự kiện, sự vật (hay đối
vật), những "trạng thái sự vật" và cả không gian lôgích tạo thành hệ thống tiên
thiên những khả tính của những tình trạng sự vật mà tồn tại kiên xác (tính kiên