GLAUCON.- Chắc chắn thế.
SOCRATE.- Vậy thì cho dù thế nào đi nữa, thì ngoại trừ những cái bóng của các
vật thể giả tạo kia, những tù nhân đó sẽ chẳng nhận ra điều gì là thực tại.
GLAUCON.- Chẳng tránh được chuyện đó.
SOCRATE.- Bây giờ, thử nghĩ xem chuyện gì sẽ xảy ra nếu họ được giải thoát
khỏi xiềng xích và được chữa hết u mê theo hoàn cảnh này. Giả sử, một trong số
họ được trả tự do, và bất ngờ bị buộc đứng lên, quay đầu, và bước đi với đôi mắt
ngước lên, nhìn ra ánh sáng ngoài kia. Tất cả những cử động này sẽ đầy đau đớn,
và anh ta sẽ quá kinh ngạc khi phát hiện ra những vật thể mà anh ta đã quen nhìn
các cái bóng của chúng. Nếu có ai bảo với anh ta rằng, những gì đã trông thấy
trước đây đều là ảo ảnh vô nghĩa, nhưng bây giờ, hầu như có điều gì đó gần gũi
hơn với thực tại, và biến thành những vật thể thực hơn, anh ta đang có cái nhìn
đúng hơn (2), thì theo con nghĩ anh ta sẽ nói gì đây? Giả sử, người ta còn chỉ
thêm cho anh ta thấy nhiều vật thể khác nhau được mang qua, và người ta cũng
bắt anh ta trả lời nếu được hỏi mỗi một vật thể ấy là gì. Liệu anh ta sẽ chẳng bối
rối hay sao, và sẽ không chịu tin các vật thể đang thấy đấy là có thật bằng những
gì đã thấy trước đây?
GLAUCON.- Vâng, gần đúng như vậy.
PLATON, Cộng hoà
1. Tiếng Hy Lạp Paideia vừa có nghĩa là giáo dục, vừa có nghĩa là trồng trọt và
chuyển nghĩa thành văn hoá.
2. Tầm nhìn này chưa phải là sự chiêm nghiệm những mô thể (la contemplation
des formes): tù nhân quay đầu lại, nhưng không rời giới khả giác.
Cuộc cải biến khó khăn
SOCRATE.- Và nếu anh ta bị ép buộc nhìn vào chính ánh lửa, liệu đôi mắt của
anh ta sẽ nhức nhối chứ? Phải chăng anh ta muốn chạy thoát để quay về với
những gì anh ta có thể nhìn rõ, vì anh ta tin rằng chúng thực sự rõ hơn những vật
thể hiện đang xuất hiện trước mắt?