Những người Ma-sít (les machistes) (1) nhún vai một cách kiêu kỳ khi nghe ai
nhắc đến những ý tưởng "cũ xì" của những kẻ "giáo điều" là những người duy vật
cứ bám vào khái niệm vật chất hình như đã bị "khoa học hiện tại" và "chủ nghĩa
thực chứng hiện đại" bác bỏ. Chúng ta sẽ đặc biệt bàn lại những lý thuyết vật lý
mới luận về cơ cấu của vật chất. Nhưng tuyệt đối không được phép lẫn lộn, như
những người Ma-sít đã làm một học thuyết về một cấu trúc thế này hay thế kia
của vật chất và một phạm trù tri thức luận (2); không được lẫn lộn vấn đề những
đặc tính mới nơi những khía cạnh mới của vật chất (chẳng hạn những électrons)
và vấn đề cũ về tri thức luận, vấn đề những nguồn gốc của kiến thức chúng ta,
vấn đề sự tồn tại của một chân lý khách quan (3) v.v… Người ta bảo chúng ta là
Mach đã "khám phá những yếu tố của thế giới": đỏ, xanh, cứng, mềm, dài, ngắn
v.v… Chúng tôi đặt câu hỏi này: thực tại khách quan có được ban cho con người
hay không khi nó thấy màu đỏ hay cảm nhận một vật là cứng … v.v? […]
Nếu chân lý khách quan được ban cho chúng ta, cần có một khái niệm triết học và
khái niệm này được khởi thảo từ lâu, chính là khái niệm vật chất. Vật chất là một
phạm trù triết học dùng để chỉ thực tại khách quan được ban cho con người trong
những cảm giác, được sao chép, chụp hình, tái tạo bởi những cảm giác của chúng
ta, trong khi vẫn tồn tại độc lập với chúng (4). Bởi vậy, nói rằng một khái niệm
nào đó có thể "già cỗi" hay "cũ xì", là nói lảm nhảm, là lặp đi lặp lại một cách
ngu xuẩn những lập luận của thứ triết học phản động hiện đang là mốt trí thức.
Cuộc đấu tranh giữa chủ nghĩa duy tâm và chủ nghĩa duy vật có thể nào trở thành
cũ xì trong hơn hai ngàn năm phát triển của triết lý chăng? Và cuộc đấu tranh
giữa những khuynh hướng hay hệ phái của Platon và của Démocrite trong triết
học? Và cuộc đấu tranh giữa những kẻ khước từ và những người thừa nhận chân
lý khách quan? Và cuộc đấu tranh giữa những môn đệ và những địch thủ của một
tri thức vượt qua cảm giác?
Vấn đề cần biết là nên chấp nhận hay bác bỏ ý niệm vật chất đối với con người là
vấn đề niềm tin vào những chỉ dẫn của các giác quan, vấn đề nguồn gốc của tri
thức chúng ta, vấn đề đã được đặt ra và tranh luận ngay từ khởi thuỷ của triết học,
vấn đề có thể bị nguỵ trang bằng muôn ngàn cách bởi những giáo sư - anh hề,
nhưng nó không hề xưa cũ, cũng như vấn đề tìm xem thị giác và xúc giác, thính
giác và khứu giác có phải là nguồn gốc của tri thức nhân loại hay không, vẫn
không bao giờ xưa cũ.