Poitiers, Sorbonne, Paris V. Có lẽ danh tiếng của Gilbert, ở nước ngoài nhiều hơn
là ở Pháp, nhưng tác phẩm của ông về cá thể hoá (individuation) tạo thành một
nghiên cứu những lãnh vực vật lý, sinh học, tâm lý và tâm_xã hội học và nhất là
một triết học về hữu thể rất là độc đáo.
VỀ CÁCH THỨC HIỆN HỮU CỦA NHỮNG ĐỐI TƯỢNG KỸ THUẬT (Du
mode d’existence des objets techniques) - 1958
Tác phẩm nghiên cứu Về cách thức hiện hữu của những đối tượng kỹ thuật, định
nghĩa, trong phần đầu của nó, đối tượng kỹ thuật với tính cách là thế (l’objet
technique en tant que tel): kỹ thuật học (la technologie), chính là một vấn đề
phương pháp, phải là một hữu thể học về đối tượng kỹ thuật (cách thức hiện hữu,
những niệm tưởng hệ kỹ thuật nền tảng, sự phát sinh) trước khi mà đối tượng kỹ
thuật có thể trở thành đối tượng cho một diễn từ lịch sử, kinh tế, xã hội, tâm lý, và
cả đức lý hay siêu hình. Phần hai phân tích những tương quan giữa đối tượng kỹ
thuật với con người ở tình trạng trưởng thành và trẻ thơ, nghĩa là tương quan giữa
nó với văn hoá. Cuối cùng, phần ba khảo sát yếu tính của chính tính kỹ thuật
(l’essence de la technicité), nghĩa là sự phát sinh của nó liên hệ đến sự phát sinh
của toàn bộ những tương quan của con người với thế giới (ma thuật, tôn giáo, mỹ
học, đức lý, khoa học, triết học).
Văn hoá và kỹ thuật (Culture et technique)
Văn hoá mà không có kỹ thuật, sẽ thiếu tính tổng quát. Kỹ thuật, mà bị ném ra
ngoài văn hoá và bỏ rơi cho những chuyên gia, những tay tài tử hay những người
hâm mộ nó, có nguy cơ khơi dậy thái độ sùng thượng kỹ thuật (technicisme) và
chế độ kỹ trị (technocratie). Để vận trù cuộc hôn phối đáng mong ước giữa văn
hoá và kỹ thuật, người ta phải nhìn nhận bản tính riêng của thực tại kỹ thuật,
trước khi quan tâm đến những điều kiện tâm lý, xã hội và kinh tế tác động đến nó
và nó có thể tự tạo thành. Chính "tư tưởng triết lý phải vận trù sự hội nhập của
thực tại kỹ thuật vào văn hoá phổ quát, bằng cách thành lập kỹ thuật học". Thực
tại kỹ thuật trở nên đối tượng cho suy tư triết lý bằng cách chạm trán với tất cả
triết học, được hiểu cho tư tưởng về mọi tương quan khả hữu của con người với
thế giới: đó là điều kiện để cho giữa văn hoá và kỹ thuật có thể phát triển một
tương quan điều tiết hỗ tương (une relation réciproque de régulation).