Những ánh sáng của khoa học
Một nhà thơ La Mã ở nửa đầu thế kỷ thứ nhất trước CN là Lucrèce, đã ca ngợi
Épicure trong một bài thơ giáo huấn lớn gồm sáu bài ca, có tựa đề Về Thiên
nhiên (De la Nature), theo cung cách các bậc tiền bối vĩ đại thời trước Socrate.
Trường phái Épicure mang lại ánh sáng: nó thay thế những nỗi khiếp sợ tôn giáo
bằng thái độ an nhiên bình thản trong tâm hồn mà khoa học và lý trí duy vật
mang lại.
Trong khi dưới mắt mọi người, nhân loại kéo lê trên mặt đất một cuộc đời thấp
hèn, bị đè bẹp dưới sức nặng của tôn giáo mà bộ mặt lộ ra từ trên những tầng trời
cao, hăm doạ con người bằng điệu bộ khủng khiếp (1), thì một người Hy Lạp, lần
đầu tiên, đã dám (a) ngước mắt nhìn lên trời và ngạo nghễ chống đối. Những câu
chuyện về thần linh (2) cùng sấm sét lôi đình từ thượng giới chẳng hề làm ông
run sợ chùn chân mà trái lại càng kích thích bầu máu nóng kiêu dũng của ông
cũng như ước vọng cháy bỏng muốn mở toang ra cánh cửa bí ẩn còn khép chặt
của thiên nhiên. Và nỗ lực không hề suy suyển của tinh thần ông cuối cùng đã
chiến thắng; ông dũng mãnh tiến bước, vượt qua những rào cản lửa cháy bừng
bừng của vũ trụ (b); bằng tinh thần kiệt xuất, bằng tư tưởng ưu việt ông đã lướt
qua khắp cõi trời đất bao la để chiến thắng trở về, giảng dạy cho chúng ta cái gì
có thể sinh ra, và cái gì không thể và những định luật nêu rõ khả năng của mỗi vật
theo những giới hạn không lay chuyển. Và từ đó, đến lượt tôn giáo bị lật nhào,
còn chúng ta được chiến thắng nâng lên cao trên các tầng trời.
LUCRÈCE, Về thiên nhiên.
1. Vũ trụ của tôn giáo, theo Lucrèce, là vũ trụ của sự sợ hãi mà những biểu hiện
đầy hăm doạ của các hiện tượng thiên nhiên gây ra nơi tâm hồn con người.
2. Các thứ thần thoại.
a. Sự táo bạo của Épicure là đã dám vượt qua những rào cản của mê tín và xua
tan những ảo tượng thiêng liêng.
b. Hình tượng thi ca này lấy lại lời dạy trong Vật lý học của Épicure: một vòng
lửa khép lại mỗi một trong những thế giới tạo thành vũ trụ.