TRIẾT HỌC TÂY PHƯƠNG TỪ KHỞI THỦY ĐẾN ĐƯƠNG ĐẠI - Trang 311

an nhiên vô cảm đối với dư luận (1) và trạng thái quân bình đam mê đối với tính
tất yếu (2). Bởi vì triết gia hoài nghi, sau khi đã bắt đầu bằng cách triết lý về
những phán đoán liên quan đến các biểu tượng khả giác nhằm lãnh hội và biện
biệt chúng, cái nào là đúng cái nào là sai - điều này đem lại cho ông sự an nhiên -
nhưng ông lại rơi vào những điều mâu thuẫn với sức mạnh ngang nhau khiến ông
bị đặt vào tình trạng không thể phán đoán, đến nỗi ông đã treo lửng phán đoán;
tiếp theo sự treo lửng phán đoán này là thái độ an nhiên đối với dư luận (3). Thực
vậy, kẻ nào tin rằng một vật là đẹp hay xấu tự bản chất (4) thì sẽ không ngừng
băn khoăn. Nếu anh ta thiếu mất đi cái gì mà anh ta tin là điều tốt đẹp cho mình,
anh ta tưởng như mình phải chịu những cực hình tồi tệ nhất và sẽ lao mình đuổi
theo cái mà anh ta tin là điều tốt đẹp cho mình. Nếu như cuối cùng anh ta chiếm
hữu được nó, thì liền đó anh ta bị dìm vào bao mối lo lắng băn khoăn mà một lý
trí quá sung mãn kích phát nơi anh ta, và trong nỗi sợ vận may biết đâu chừng sẽ
quay ngoắt đi, anh ta làm tất cả để sao cho mình không bị tước đoạt mất cái mà
anh ta ngỡ là điều tốt lành. Trong khi đó không tuyên bố cái gì là tự nhiên tốt hay
cái gì là tự nhiên xấu, thì không chạy trốn cái gì và cũng không hoài công phí sức
theo đuổi những cái phù phiếm. Thế là người đó lạc thiên an mệnh ung dung tự
tại.

Nói tóm lại là, các triết gia hoài nghi hy vọng đạt đến trạng thái an nhiên bằng
cách dùng phán đoán cắt đứt mâu thuẫn đặc thù của các biểu tượng khả giác và
của các quan niệm trí thức và, không đạt được điều đó, họ bèn treo lửng phán
đoán. May mắn là, tâm trạng an nhiên tự tại cũng đi kèm theo sự treo lơ lửng
phán đoán giống như hình với bóng. Vậy là chúng ta không nghĩ rằng triết gia
hoài nghi tuyệt đối không xao xuyến gì, nhưng là nếu như ông ta có xao xuyến,
thì chỉ bởi những điều tất yếu (5): chúng ta thừa nhận rằng ông cũng có thể thấy
đói, rét hay những cảm thức tương tự. Nhưng ngay cả trong những tình huống đó,
nó tác động gấp đôi lên kẻ bình thường, vừa do chính cảm giác vừa nhất là do
định kiến cho rằng điều này tự nhiên là xấu, triết gia hoài nghi bác bỏ cái định
kiến được thêm vào đó, nên ít đau khổ hơn và dễ thoát ra hơn. Đó là lý do khiến
chúng ta cho rằng cứu cánh của triết gia hoài nghi là trạng thái an nhiên tự tại đối
với dư luận và trạng thái quân bình đối với sự tất yếu.

SEXTUS EMPIRICUS, Hypotyposes pyrrhoniennes.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.