ANAXIMANDRE
(Khoảng 610 đến 545 trước C.N.)
Đối với người bạn và kẻ kế thừa này của Thalès, nguyên tố không phải là nguyên
lý, nhưng phái sinh từ nguyên lý gọi là Cái Vô Vạn (Illimité / Infini) vì nó bao
hàm một số vô hạn những thực tại và cả vô hạn thế giới khả hữu.
Tất cả những gì hiện hữu đều là biểu hiện của nguyên lý này. Tất cả đến từ đó và
phải trở về đó.
Cái Vô hạn
SIMPLICIUS (1)
Trong số những kẻ cho rằng nguyên lý là một, chuyển động và vô hạn,
Anaximandre, con trai của Praxiadès, ở thành Milet, người kế thừa và là môn đệ
của Thalès, đã nói rằng cái vô hạn là nguyên lý và nguyên tố của vạn hữu; ông
cũng là người đầu tiên dùng từ nguyên lý (2). Ông nói rằng không phải nước,
cũng không phải những gì mà người ta cho là những nguyên tố, nhưng có một
bản chất vô hạn khác từ đó sinh ra mọi cõi trời và mọi thế giới ở trong đó. Cái mà
sự sinh thành tạo ra cho mọi vật đang tồn tại, cũng là cái mà mọi vật sẽ quay về
dưới hiệu ứng của sự hoại diệt, một cách tất yếu, (3) bởi vì mọi vật đem lại công
lý cho nhau và sửa chữa những bất công theo thứ tự thời gian. Rõ ràng là sau khi
quan sát sự biến đổi lẫn nhau của bốn nguyên tố, ông không thể cho rằng người ta
có thể gán cho một nguyên tố nào vai trò cơ-hữu-thể (substrat) (4), mà phải có
một cái gì đó khác hơn là bốn nguyên tố kia.
SIMPLICIUS, Bình luận về vật lý học Aristote.
Chú thích
(1) Triết gia Tân thuyết Platon, ở cuối thế kỷ thứ sáu C.N., người giảng luận uy
tín về Aristote.
(2) Từ Archè ở đây nhận được ý nghĩa chuyên môn là nguyên lý