chính mình hay là những vật không thể thiếu đối với yếu tính của mình (2). Vậy
mà cái gì người ta khẳng định và cái gì người ta không khẳng định không thể là
đồng nhất và cái gì người ta chắc chắn không thể đồng nhất với cái gì người ta
không chắc chắn. Vậy là - ngay khi mà yếu tính mà anh ta khẳng định sự tồn tại
riêng thuộc về mình, bởi vì yếu tính đó chính là anh ta, và nó độc lập khỏi thân
xác và khỏi tứ chi mà anh ta không khẳng định sự tồn tại - nếu anh ta trừu tượng
đi những gì không phải là chính mình, thì anh ta sẽ thấy rằng hữu thể của linh hồn
không phải là một thứ với hữu thể của thân xác. Hơn thế nữa, anh ta sẽ biết là anh
ta không cần phải có một thân xác để nhận ra linh hồn mình và biết rằng linh hồn
mình tồn tại…
AVICENNE, Về linh hồn
1. Sự khẳng định bản ngã không khẳng định gì về thân xác.
2. Biểu thị về thân xác không thiết yếu cho trực giác về tự thân.
SIÊUHÌNH HỌC (Metaphysica)
Phổ quát thể thuần túy: tại suối nguồn của hiện tượng luận
(L’universel pur: aux origines de la phénoménologie)
Trong số những học thuyết siêu hình của Avicenne, thì học thuyết đã đánh dấu
lâu dài nhất lên tư tưởng triết học Tây phương là sự phân biệt của ông giữa phổ
quát thể thuần túy và ý niệm tổng quát trừu tượng. Đối với ông, ý nghĩa của một
hạn từ chung có thể được xem xét theo ba cách: hoặc như đối tượng vật lý, trong
"vật khả giác bên ngoài", hoặc như đối tượng tinh thần, trong linh hồn, hoặc nơi
chính nó.Trong trường hợp thứ nhất, phổ quát thể không tồn tại như là phổ quát
thể (tất cả cái gì ở trong một cá nhân thì mang tính cá nhân); trong trường hợp thứ
nhì, nó có quy chế (statut) của một hữu thể có ý hướng (intentionnel), tổng quát
(khả thích dụng cho nhiều cá nhân); trong trường hợp thứ ba, nó có một quy chế
độc đáo, cốt yếu, phân biệt với hai cách thức hiện hữu trước. Nói cách khác: yếu
tính của ngựa không phải là một con ngựa đặc thù đang hiện hữu, cũng không
phải là ý niệm tổng quát về ngựa, mà là "tính ngựa" như là thế, tính ngựa đó
không đặc thù, không đơn nhất, nhưng thuần túy và đơn giản chỉ là "tính ngựa".