Trong quyển Khảo luận quyết định, Averroès phê phán hai trào lưu lớn của thần
học Hồi giáo thuở xưa: những người theo phái Motazilites và phái Asharites.
Chính việc cầu viện đến những kiểu kiến giải ẩn dụ (exégèses allégoriques) - mà
lại là những cách sai lạc - và ý nghĩ rằng những kiến giải kiểu đó về thánh kinh
Coran phải được công khai hoá hoàn toàn cho quảng đại công chúng tín đồ đều
biết, đã làm nẩy sinh những tông phái trong Hồi giáo, với hậu quả là chúng cùng
bị kết án lẫn nhau là vô tín ngưỡng, là tà đạo. Chính theo kiểu đó mà những giáo
sỹ phái Motazilite đã giải thích theo cách ẩn dụ nhiều khúc đoạn hgay nhiều danh
ngôn và họ đã quảng bá những cách kiến giải của mình cho công chúng; và
những giáosỹ phái Asharite cũng làm như thế đối với tín đồ của họ. Hậu quả của
chuyện đó, là họ đã đẩy tín đồ của hai phái vào vòng thù hận lẫn nhau, khinh miệt
lẫn nhau rồi gây chiến với nhau; họ đã xé nát kinh thánh thành nhiều mảnh, và họ
đã hoàn toàn chia rẽ người dân.
Ngoài ra trong những phương pháp mà họ theo để đặt nền tảng cho những kiến
giải của mình, họ chưa từng đồng ý với đám đông, cũng chẳng hề nhất trí với
thành phần thượng lưu ưu tú: không đồng ý với đám đông bởi vì phương pháp
của họ coi bộ tối tăm rối rắm so với phương pháp của đa số con người; không
nhất trí với thành phần thượng lưu, bởi chỉ cần khảo sát những phương pháp đó
để thấy chúng rất khập khiễng so với điều người ta mong đợi ở một sự chứng
minh - bất kỳ ai từng làm quen đôi chút với nghệ thuật tam đoạn luận đều có thể
thấy điều đó ngay từ tia nhìn đầu tiên. Hơn nữa, phần lớn những nguyên lý mà
các giáo sỹ Asharites dựa vào để làm cơ sở cho nền thần học của họ thì đều có
tính ngụy biện: chính như thế mà họ vứt bỏ nhiều chân lý tất yếu, như sự thường
trực của những tùy thể, tác động hỗ tương, sự tồn tại của những nguyên nhân tất
yếu, những mô thể bản thể và những nguyên nhân thứ yếu.
Và những vị tiến sỹ thần học của họ đã gây họa lớn cho tín đồ Hồi giáo bởi vì có
một chi phái Asharite đã coi là bội giáo tất cả những ai không đi đến chỗ biết
được sự hiện hữu của đấng Sáng tạo viênh quang bằng những phương pháp mà
họ (những thành viên của chi phái này) đã sử dụng đến trong sách vở của họ để
đạt đến. Nhưng sự thật là chính họ mới là những kẻ bội giáo, chính họ mới sai
lầm! Vả chăng, từ đó phát sinh ra sự bất hoà toàn diện - một nhóm nói: "Nghĩa vụ
đầu tiên là học lý thuyết!", nhóm kia lại nói: "Không cần thiết! Chỉ cần tin là đủ!"