Maimonide
(1135 - 1204)
Mosheh ben Mạmon phải rời xa xứ sở Cordoue của mình vào năm 1148 (sau khi
toàn bộ Tây Ban Nha bị triều đại Almohades chinh phục). Tạm trú một thời gian
ở Alméria rồi ở Fès nhưng rồi lại phải chạy trốn những cuộc bạo hành, ông về
đến Đất Thánh vào năm 1165 và đến Jérusalem, lúc đó ở trong tay quân Thập tự
chinh năm 1166. Không thể kiếm sống được ở đó, ông quyết định đến Caire, thủ
đô Ai Cập. Trở thành quan ngự y của triều đình Hồi vuông (sultan) Ayyoubide
Saladin (người sẽ giành lại Jérusalem từ tay người Cơ đốc giáo, vào năm 1187),
cuối cùng ông được hưởng ở Ai Cập một hoàn cảnh thuận lợi hơn cho việc
nghiên cứu và viết lách, mặc dầu bao công việc khác làm ông phải bận rộn. Là
người giới thiệu chính yếu triết học Aristote vào Do Thái giáo, người mà các học
giả Latinh biết đến dưới cái danh xưng Rabbi Moyses và Mọse xứ Ai Cập, đã để
lại một văn nghiệp đáng kể - từ bộ Thuật ngữ Lô-gích học cho đến Bình luận về
Mishna, một phân tích lý luận thực sự về văn học Talmud (Kinh luận của đạo Do
Thái) và bức thư rất cảm động gửi nước Yemen trong đó ông khích lệ đồng bào
hãy "kham nhẫn sự tàn bạo của kẻ thù và tình trạng nhược tiểu của đất nước
mình". Công trình của Maimonide trong lãnh vực y khoa và khoa học cũng rất
đáng nể.
Trong tất cả những khảo luận của ông (viết bằng tiếng Ả Rập, ngoại trừ quyển
Sách về Tri thức bằng tiếng Hébreu), thế giới Latinh chỉ biết đến kiệt tác triết lý -
thần học của ông: quyển Hướng dẫn cho những kẻ hoang mang lạc lối (Guide des
Égarés) được dịch sang tiếng Hébreu bởi Samuel ibn Tibbon, dưới cái tựa đề
Moreh Nébour’him, và tiếng Latinh dưới tựa đề Dux neutrorum sive
perplexorum. Là tác phẩm tâm truyền (ouvrage ésotérique) dành cho giới ưu tú,
quyển Hướng dẫn này là một trong những đỉnh cao của văn học triết lý thời
Trung cổ, vừa thấm nhuần nền văn hóa triết lý và thần học Ả Rập - Hồi giáo vừa
bén rễ sâu xa trong truyền thống tôn giáo và trí thức của Do Thái giáo. Đó cũng là
suối nguồn chính yếu cho thần học Cơ đốc giáo thời Trung cổ.
HƯỚNG DẪN CHO NHỮNG KẺ HOANG MANG LẠC LỐI