Là thi sỹ (với tập thơ Tấn kịch thiêng liêng - La Diviênna Commedia) và lý
thuyết gia ngôn ngữ (De vulgari eloquentia), Dante Alighieri cũng là một trong
những triết gia lớn ở cuối thế kỷ mười ba, đầu thế kỷ mười bốn. Quyển Bữa tiệc
(Convivio) của ông là một tác phẩm triết học, chủ yếu là về đạo đức học theo
Aristote, đặt trọng tâm vào ý tưởng tính "quý tộc" của người trí thức và phẩm giá
tối thượng của lối sống triết lý - đời sống đắm mình trong suy tư - được hân
thưởng bằng lạc phúc tinh thần. Quyển Khảo luận chính trị chống giáo hoàng của
ông, mang tựa đề Chế độ quân chủ (De Monarchia) có thể được coi như kiệt tác
của phương pháp tam đoạn luận, còn hay hơn cả những khảo luận thần học chính
trị của Guillaume d’Ockham.
Là thành viên đảng Guelfes Trắng ở Florence, Dante sẽ phải trả giá đắt bằng
nhiều năm dài lưu đày và sống trong cô độc, cho thái độ thù nghịch đối với những
nước cờ chính trị thần quyền của giáo hoàng Boniface VIII chống lại Florence và
Toscane: chiến thắng của phe Guelfes Đen theo giáo hoàng, nhờ vào hậu thuẫn
quân sự của Charles de Valois, buộc Dante phải rời tổ quốc vào năm 1301 để bắt
đầu một cuộc sống lãng du, phiêu dạt từ Vérone đến Rimini, Bologne và Ravenne
(tại đó ông qua đời ngày 14 tháng 9 năm 1321).
CHẾ ĐỘ QUÂN CHỦ (La Monarchie)
Giáo hoàng và hoàng đế, lý thuyết quyền lực chính trị và tôn giáo
Quyển Chế độ quân chủ là một bài ca tụng có phương pháp việc phân quyền (la
séparation des pouvoirs), lẫm liệt bước vào đời sống chính trị của thế kỷ mười
bốn mới khai sinh. Năm 1320, các Nhà nước của vương quốc Pháp tuyên bố sự
độc lập tuyệt đối của nhà vua, khẳng định rằng: "Về thế quyền, nhà vua không
thừa nhận một chúa tể nào cao hơn mình, trừ Thiên Chúa". Giáo hoàng Boniface
VIII trả lời bằng sắc lệnh Unam sanctam khai triển lý thuyết hai thanh gươm,
buộc thế quyền phải lệ thuộc giáo quyền, rồi, năm 1303, giáo hoàng rút phép
thông công với vua Philippe le Bel. Cuộc mưu sát ở Anagni (việc bắt giữ giáo
hoàng bởi Guillaume de Nogaret, đại thần của vua) đánh dấu cực điểm của cuộc
khủng hoảng chính trị đem đối đầu nước Pháp với Giáo hội. Những năm 1300
được đánh dấu bởi hoạt động văn học mạnh mẽ, mỗi phe đều tạo ra những khảo
luận nhằm chứng minh quyền của mình, căn cứ vào lý lẽ và Kinh Thánh.