những xã hội theo truyền thống xa xưa. Một sử gia khoa học của thế kỷ hai mươi,
Lynn Thorndike, đã viết bộ sách đồ sộ Lịch sử khoa học ma thuật và thực nghiệm
(Histoire de la science magique et expérimentale), không ngần ngại đưa vào tựa
đề của cuốn sách hai từ mà người ta thường có khuynh hướng muốn đem đối lập
nhau: ma thuật và thực nghiệm. Trong thực tế, phần lớn những nhà khoa học
(cũng là các triết gia) nhận định rằng ma thuật ôm trọn tri thức về toàn bộ thiên
nhiên. Một số người rõ ràng còn đi xa hơn trong con đường tìm hiểu những huyền
cơ của vạn vật. Chính theo cách đó mà Agrippa, cũng như Paracelse, cho rằng
mọi sinh linh nơi trần giới đều nằm dưới ảnh hưởng của các thiên thể (các vì tinh
tú), nhưng đồng thời những đặc tính của con người cũng có thể lôi cuốn sự can
thiệp của những thế lực quỷ thần.
Một trong những hình thức của khoa học huyền bí là bộ bí truyền thư Kabbale
của Do Thái giáo hay Do Thái - Cơ đốc giáo, một đề tài vừa quảng bác vừa rất
mực uyên thâm. Ở đây chúng tôi chỉ xin thưa rằng nền khoa học áo bí này, mà tên
gọi (bằng tiếng Hê_bơ_rơ) có nghĩa là truyền thống và tìm thấy sự biểu tả minh
nhiên nhất trong cuốn Zohar (ánh sáng huy hoàng) ứng dụng vào các chữ cái
Hê_bơ_rơ, các từ, các con số, những hô ứng/ tương hệ (correspondances) nó cho
phép những ai đã được khai tâm (về đạo đức, tôn giáo và trí thức) nhìn thấy nơi
những sự vật "hơn là những sự vật" và qua đó tham thông (khiêm tốn thôi) vào trí
tuệ thiêng liêng.
Thuật luyện kim đan (l’alchimie) là một khoa học huyền bí khác, có lên hệ ít
nhiều với bí truyền thư và cũng cần được "tẩy rửa" khỏi tai tiếng hệ tại mà nó
phải mang dưới ảnh hưởng của chủ nghĩa thực chứng vào thế kỷ mười chín và thế
kỷ hai mươi: đó không phải là những mơ mộng ngông cuồng, và vấn đề không
chỉ là biến chì thành vàng (dầu những nhà luyện kim đan từng muốn làm được
điều đó). Đó là một khoa học xa xưa và sâu xa về những nguyên nhân cốt yếu: nó
dựa trên cả một hệ thống những tương tự và hô ứng (giữa cõi vô hình và cõi hữu
hình, trên cao và dưới thấp, vật chất và tinh thần, tinh tú và khoáng vật v.v…)
Khoa học này khởi đi từ niềm tin - chung cho mọi truyền thống huyền học - rằng
thiên nhiên phải (và có thể) được giúp đỡ bởi nghệ thuật để xoá đi các vết hắc ám
nó ngăn cản vật chất phát tiết tinh anh theo nguyên lý và nguyên mẫu toàn hảo
mà mọi vật có được trong tuyệt đối. Thực ra, điều mà các nhà luyện kim đan
chính thống hiểu về Đại Công Trình, không phải là chuyện biến một kim loại tầm