Đây là một trong những bản văn đã góp phần nhiều nhất để tạo nên ý tưởng rằng
chủ nghĩa Machiavel, với tư cách là một triết lý chính trị, đặt quyền lợi quốc gia
và những lợi ích của ông hoàng lên trên mọi ưu tư về đạo đức hay tôn giáo, bởi vì
quyền lợi chung (hay được cho là như thế) phải ưu tiên hơn những quyền lợi
riêng, dầu cho những quyền lợi riêng có chính đáng đến đâu chăng nữa. Chủ
nghĩa hiện thực hay thực dụng chính trị này ở đối cực của thuyết phúc âm chính
trị (l’évangélisme politique) của một Érasme hay một More.
Chúng ta nên hiểu rằng một ông hoàng, nhất là khi mới lên ngôi, không thể chu
toàn tức thời mọi điều kiện để được đánh giá là bậc minh quân, bởi ông thường
phải, để duy trì quyền lực, hành động ngược lại lời nói, ngược lại cả lòng bác ái,
ngược lại tính nhân đạo và cả tôn giáo nữa. Đó là lý do khiến ông phải có trí tuệ
sẵn sàng gió chiều nào xoay theo chiều ấy, nhanh nhạy nắm bắt thời cơ vận hội
(1), đối phó kịp thời với mọi tình huống đổi thay, và, như tôi đã từng nói, không
xa rời điều thiện, nếu có thể, nhưng cũng biết nhúng tay vào điều ác, nếu xét thấy
cần thiết (2).
Như vậy, ông hoàng phải rất mực cẩn ngôn, đừng bao giờ để lọt ra khỏi miệng
những lời thất thố. Phải luôn tâm niệm câu "Thiên tử bất hý ngôn" (3), nói ra câu
nào là cũng khiến cho người nghe cảm thấy đấng minh quân quả là gồm đủ nhân
nghĩa lễ trí tín! Nhất là lúc nào cũng phải tỏ ra đầy lòng tín mộ "trên thuận mệnh
trời, dưới hợp lòng dân" - sao cho cả bàn dân thiên hạ đều thấy như thế, còn như
chuyện "sờ gáy" được sự thật thế nào, thì hỏi có mấy người?
NICOLAS MACHIAVEL, Ông Hoàng.
1. Thời cơ vận hội là một trong những giá trị trọng tâm của nền triết lý chính trị
này.
2. Một trong những quy luật (có phần khắc nghiệt) của lịch sử.
3. Vua chúa không đùa với lời nói: Lời nào từ "kim khẩu" của chúa thượng phán
ra là phải… đúng như trong kinh!
Vai trò của thời cơ vận hội trong đời sống của mỗi con người và của từng dân tộc