"Triết học Anh chủ yếu bị chế ngự bởi ý thức về cái cụ thể (un sens du concret)
hướng lý tính về chủ nghĩa duy nghiệm và về chủ nghĩa duy lợi, mong muốn
tránh những tư biện thuần trí tuệ (les spéculations intellectuelles) hàm chứa nguy
cơ nô lệ hoá cá nhân. Tuy nhiên, vẫn hiện diện ở đấy một trào lưu ngầm chỉ thỉnh
thoảng nổi lên và hướng trí tưởng tượng cùng lý tính về cái siêu-cảm-giác (le
suprasensible) để viện đến Platon và Tân thuyết Platon; mặc dầu bị biên tế hóa
(marginalisée) bởi chủ nghĩa duy nghiệm, khuynh hướng đó vẫn không kém phần
hiện thực" (J.Brun, L’Europe philosophe, Nhà xuất bản Fayard, 1988).
Vào thế kỷ mười bảy, khuynh hướng này hồi sinh nơi những người theo Platon ở
Cambridge, gọi như thế vì phần lớn trong bọn họ dạy ở đại học Cambridge. Lịch
sử đã giữ lại những cái tên Benjamin Whichote (1609 - 1683) được coi như người
sáng lập nhóm, John Smith (1616 - 1652), Nathaniel Culverweil (1618 - 1651),
Peter Sterry (1616 - 1672), Ralph Cudworth (1617 -1688). Họ đều dạy ở đại học
Emmanuel, trong khi Henry More (1614 - 1687) dạy ở đại học Christ. Vấn đề đối
với những thành viên của nhóm này, với khá nhiều dị biệt, là thiết lập sự hiện hữu
của Thượng đế và sự bất tử của linh hồn trên những căn bản thuần lý, đưa ra một
cách kiến giải duy linh và mang tính tôn giáo về thực tại ngược lại với chủ nghĩa
duy vật của Hobbes. Bác bỏ thuyết tiền định u ám của Calviên, những người theo
Platon ở Cambridge muốn một thứ Cơ đốc giáo vừa đồng thời hợp lý, khoan
dung và đầy bác ái. Họ ít có cảm tình đối với tư tưởng của Bacon và đối với mối
liên hệ chặt chẽ mà ông thiết lập giữa khoa học và kỹ thuật.Việc tìm kiếm chân lý
là sự chuyển đổi của tinh thần (la conversion de l’esprit) và có cứu cánh là sự
chiêm ngưỡng thực tại thiêng liêng và thế giới trong tương quan với Thượng đế.
Hai nhân vật Cambridge danh tiếng nhất là Ralph Cudworth và Henry More. Xin
nêu ra một vài trong số những tác phẩm của Cudworth: The True Intellectual
System of the Universe (1678) và quyển Treatise concerning Eternal and
Immuable Morality (1731). Tên của Cudworth, còn hơn là của More, còn gắn với
lý thuyết về những bản chất đàn hồi (des natures plastiques). Bản chất đàn hồi là
một động lực vô thức, phi_cơ_thể "giống như một công cụ thấp kém và tuỳ
thuộc, hoàn thành một cách lệ thuộc phần hành động quan phòng của Thiên Chúa
hệ tại ở chỗ làm chuyển động vật chất một cách đều đặn và có trật tự". Hệ thống
những bản chất đàn hồi bảo đảm tổ chức và tính mạch lạc của toàn thể.