của chính mình. Trẫm thường giữ ba tấm gương này, dùng để tránh
mình mắc lỗi. Nay Ngụy Trưng mất đi, coi như ta đánh mất một tấm
gương.
Vì thế ông khóc rất lâu. Sau đó xuống chiếu rằng:
− Trước kia chỉ có Ngụy Trưng chỉ ra lỗi lầm của ta, từ khi ông
ấy mất đi, trẫm tuy có lỗi mà không có người hiểu được chỉ ra. Lẽ nào
trước kia trẫm có sai lầm mà nay toàn đúng hết cả hay sao? Nguyên
nhân chẳng qua là chúng quan cẩu thả thuận theo, không dám động
đến vảy rồng mà thôi. Bởi thế trẫm thật lòng trưng cầu ý kiến, giải mối
nghi hoặc trong lòng, nội tâm kiểm điểm. Nếu các khanh góp ý mà
không được tiếp thu, trẫm cũng lấy làm vui mừng, nếu trẫm muốn tiếp
thu mà các khanh lại không góp ý, thì đó là trách nhiệm của ai? Từ
nay về sau, ai nấy phải tận trung, nếu trẫm có chỗ đúng đắn hay sai
lầm cũng đều phải nói thẳng, không được che giấu.
✽✽✽
Vương Khuê là người huyện Kỳ − Thái Nguyên. Thời Đường
Cao Tổ Võ Đức, ông làm Trung doãn trong Đông cung của Ẩn Thái
tử, rất được Thái tử Kiến Thành kính trọng. Sau vì liên lụy việc Kiến
Thành mưu tạo phản nên bị lưu đày đến Tây Châu. Sau khi Kiến
Thành bị giết, Thái Tông lên ngôi hoàng đế, ông được vời làm Gián
nghị đại phu. Ông hết lòng với tư cách là một bề tôi, hiến nhiều mưu
kế hay. Vương Khuê từng dâng mật tấu, khuyên can thẳng thắn, Thái
Tông bảo ông:
− Những điều khanh phê bình trẫm đều rất đúng với lỗi lầm của
trẫm, xưa nay những kẻ làm vua không ai không muốn nước nhà thịnh
trị lâu bền, nhưng không thực hiện được, chỉ vì nghe không lọt tai khi
người khác chỉ trích lỗi lầm của mình, hoặc có nghe mà không sửa
được. Nay ta có lỗi, khanh có thể thẳng lời khuyên can, trẫm lại biết
nghe rồi sửa, còn lo gì nước nhà không bình yên?
Thái Tông từng bảo Vương Khuê: