họ vẫn làm. Tôi cho rằng vì họ tin rằng nếu để cho Hitler chế tạo được quả
bom đó trước họ, thì y sẽ chiếm toàn thế giới, sẽ xây dựng các trại tập trung
ở khắp nơi và sẽ loại bỏ tất cả những ai. Do Thái cũng như những người
khác, gây trở ngại cho hắn, để tạo ra một chủng tộc siêu đẳng mà y mơ ước.
Đó còn là một cái ác lớn hơn.
Đây là một cuộc chạy đua! Một cuộc chạy đua, thật không may, tới cái ác ít
hơn?
Đúng thế. Mặc dù tôi thấy rằng việc chế tạo vũ khí giết người là đáng phê
phán về mặt đạo đức và không thể biện hộ được, nhưng tôi cũng thấy rằng
chơi chính sách rúc đầu vào cát của con đà điểu, để mặc cho Hitler muốn
làm gì thì làm, cũng không phải là điều thật thông minh.
Đúng, tôi biết chứ, người ta có thể phải mềm dẻo hơn nhất là trong tình
huống quá đặc biệt là chiến tranh. Thực tế, người ta bị đưa đẩy phải chấp
nhận những quan điểm mà vào thời bình người ta không bao giờ chấp nhận.
Nhưng trong một tình huống bình thường, như ở thời điểm này chẳng hạn,
tiêu chuẩn để ông lựa chọn giữa cái nên làm và cái không nên làm là gì?
Ông có nghiên cứu để làm tối ưu hóa phúc lợi của con người hay không?
Tiêu chuẩn của tôi là: “tôn trọng cá nhân bằng mọi giá”.
Sau tất cả những điều ông vừa nói, thì nhà khoa học không thể cứ ngồi
trong tháp ngà của mình?
Đúng như vậy. Nhưng nhà khoa học cũng không nên nhảy sang một thái
cực khác. Anh ta không thể dành hết thì giờ cho công chúng đến mức tê
liệt, mất khả năng nghiên cứu. Việc theo đuổi tri thức luôn đòi hỏi phải có
một khoảng lùi, một sự bình tâm nhất định và một sự sẵn sàng về tinh thần
không phù hợp với lĩnh vực quan hệ công chúng. Cũng cần phải biết quay
trở về tháp ngà của mình. Đó là một sự cân bằng rất tế nhị.
Ông có đồng ý nên có một loại tuyên thệ kiểu Hippocrte đối với các nhà
khoa học không?
Có, tôi không phản đối ý tưởng đó. Đòi hỏi duy nhất đối với một lời thề
kiểu như vậy là không quá ràng buộc. Điều này cần có một sự suy xét thích
đáng, bởi vì như tôi đã nói, vừa cần phải để cho tự do sáng tạo vừa đồng
thời đặt ra một giới hạn cho một số loại nghiên cứu.