Ở Mỹ, hai trung tâm thiên văn lớn nhất là Caltech và Princeton. Nhờ những
kính thiên văn cỡ lớn của mình, Caltech là một trung tâm quan sát lớn,
trong khi đó, Princeton, ở bờ phía Đông (do thời tiết xấu nên không có một
kính thiên văn lớn nào) lại nổi tiếng trước hết là về mặt lý thuyết. Lẽ ra tôi
có thể ở lại Caltech làm luận án, nhưng các giáo sư của tôi khuyên nên đến
Princeton để có thể tiếp xúc với những trí tuệ khác và biết thêm những lối
tư duy khác. Thật trùng hợp là đúng lúc đó có một giáo sư của Princeton tới
Caltech vài ba tháng và ông đã kể với tôi rất nhiều về chương trình nghiên
cứu ở đó và thuyết phục tôi nên tới Princeton để tiếp tục học tập. Khi đó tôi
đã thầm nuôi hy vọng được làm luận án với Lyman Spitzer, một nhà vật lý
thiên văn lớn mà tôi đã nghe nói rất nhiều.
Và thế là ngay từ đầu ông đã biết về đề tài của mình?
Hoàn toàn không. Tôi tới Princeton vào năm 1970 và nhận học vị tiến sĩ về
vật lý thiên văn ở đó vào năm 1974, nhưng chỉ vào năm cuối cùng đó tôi
mới tiếp cận đề tài luận án. Ban đầu tôi làm việc trên các bài toán khác
nhau, mỗi bài toán mất từ 6 tháng tới 1 năm.
Tôi đánh giá rất cao triết lý giảng dạy ở Đại học Princeton, bởi vì, thay cho
việc dành nhiều năm để nghiên cứu chỉ một vấn đề (nguyên tắc làm luận án
của Pháp), ở đây sinh viên được khảo cứu nhiều vấn đề. Chính vì vậy mà
nó đáp ứng được sự vô cùng phong phú và đa dạng trong nghiên cứu vật lý
thiên văn chứ không bó gọn trong một chuyên môn quá hẹp. Mục đích cơ
bản không phải là tìm ra các lời giải mà là học cách suy nghĩ. Tôi còn nhớ
những cuộc trao đổi rất dài trên bảng đen với các giáo sư của tôi, trong đó
thông qua sự thẩm thấu tôi đã học được cách tiếp cận và giải quyết một bài
toán như thế nào. Chẳng hạn, tôi đã nghiên cứu sự tiến hóa động của các
đám sao cầu (những tập hợp hình cầu chứa hàng ngàn ngôi sao liên hệ với
nhau bằng lực hấp dẫn) hay nghiên cứu sự tiến hóa về mặt hóa học của các
thiên hà (các nguyên tố nặng hình thành trong các thiên hà như thế nào).
Tôi thậm chí còn tiến hành quan sát và quay về Palomar sử dụng kính thiên
văn đường kính 5m ở đó để nghiên cứu chuyển động của các sao ở tâm của
thiên hà Andromede.
Vào cuối năm thứ ba, tôi tới gõ cửa nhà giáo sư Lyman Spitzer để xin ông