với toàn bộ sự giàu có của nó, thì nhà thiên văn cần tới tất cả các loại ánh
sáng hiện hữu. Nếu chúng ta chỉ giam mình trong vùng ánh sáng thấy được
thì điều này cũng chẳng khác gì mắt ta chỉ nhạy với ánh sáng màu xanh.
Chúng ta sẽ thấy biển xanh nhưng sẽ không thấy được màu tím nhạt của
những quả táo trên các bức tranh tĩnh vật của Cezanne hay màu đỏ như lửa
của cảnh hoàng hôn. Và khi đó chúng ta sẽ có một cái nhìn rất không đầy
đủ về thế giới.
Một kính thiên văn trong không gian có khả năng thu được tất cả các loại
ánh sáng mà ta vừa liệt kê ở trên. Về nguyên tắc, nó nhìn cũng rõ nét hơn
các kính thiên văn đặt trên mặt đất nhiều. Chuyển động của các nguyên tử
trong khí quyển làm nhiễu động quỹ đạo của ánh sáng và làm cho các hình
thu được bị nhòe. Trong khi đó kính Hubble, do vượt lên trên bầu khí
quyển, nên nó nhìn được Vũ trụ với tất cả độ nét tuyệt vời của nó, cũng hệt
như một người cận thị đột nhiên được đeo kính đúng số. Lấy giả dụ, nếu
một kính thiên văn đặt trên mặt đất có thể nhìn rõ một mẩu 4cm ở khoảng
cách 4km thì kính Hubble có thể nhìn thấy nó ở khoảng cách 10 lần xa hơn,
tức là ở khoảng cách 40km. Điều này tương đương với việc phân biệt được
hai đèn hậu của một xe ô tô ở khoảng cách 4000km, tức là xa cỡ 2/3 bán
kính Trái Đất. Việc nhân lên gấp bội khả năng nhìn được các chi tiết rất nhỏ
là cực kỳ quan trọng đối với việc nghiên cứu một số thiên thể. Đặc biệt là
các quasar - những đối tượng ở gần biên giới của Vũ trụ. Tên của loại thiên
thể này bắt nguồn từ từ “quasistar” - có nghĩa là tựa sao. Chúng đặc và nhỏ
tới mức nhìn tựa như các ngôi sao. Nếu người ta có thể chụp được chi tiết
hơn phần trung tâm của chúng, người ta có thể sẽ có một ý niệm về “con
quỷ” cung cấp một năng lượng khổng lồ ngay trong lòng của chúng để phát
xạ ra ngoài.
Một ví dụ khác là về nguyên tắc, kính thiên văn Hubble có thể nhìn thấy
các hành tinh quay quanh những ngôi sao gần nhất, tới hàng chục năm ánh
sáng. Sự phát hiện ra các hành tinh này sẽ là một cú hích ngoạn mục đối
với những chương trình nghiên cứu các trí tuệ ngoài Trái Đất.
Cuối cùng, ưu điểm lớn thứ ba của kính thiên văn không gian là nó có thể
quan sát được các tinh tú có độ sáng rất yếu, do ở bên ngoài bầu khí quyển