Jacques Vauthier
Trò chuyện với Trịnh Xuân Thuận
Phạm Văn Thiều dịch
Phần 4
Ông đã nói về sự tiến hóa lâu dài của Vũ trụ trên con đường dẫn tới sự
sống. Vậy ông có nghĩ rằng ngoài Trái Đất ra, sự sống có thể tồn tại ở
những nơi khác không?
Có, điều đó rất có thể. Tôi không thấy tại sao chỉ có chúng ta là những
người duy nhất được lựa chọn. Dải Ngân Hà của chúng ta chứa tới 100 tỷ
ngôi sao, trong đó có nhiều tỷ ngôi tương tự như Mặt Trời của chúng ta.
Nếu các ngôi sao này có kèm theo một bầu đoàn các hành tinh như hệ Mặt
Trời của chúng ta, thì chắc sẽ có những hành tinh ở đủ xa Mặt Trời của
chúng để nhiệt không làm bay hơi hết nước và cũng đủ gần để sự thiếu
nhiệt không làm đóng băng nước và do vậy cho phép sự sống – như chúng
ta biết trên Trái Đất – có thể phát triển. Và con số các hành tinh này phải
nhân lên hàng trăm tỷ lần vì đó là số các thiên hà được chứa trong Vũ trụ
quan sát được. Chính kính thiên văn không gian Hubble cũng có sứ mạng
quan sát bầu đoàn các hành tinh xung quanh các ngôi sao gần ta nhất,
nhưng, than ôi, tật “cận thị” tạm thời của nó đã trở thành một trở ngại! Các
kính hiệu chỉnh được các nhà du hành Vũ trụ đưa lên vào năm 1993 chắc sẽ
cho phép phát hiện ra những hành tinh khác ở ngoài hệ Mặt Trời của chúng
ta. Khi đó chúng ta sẽ biết hướng các kính thiên văn vô tuyến tới đâu để thu
hoặc gửi đi những thông điệp. Còn hiện thời, việc tìm kiếm cuộc sống
ngoài Trái Đất còn khó hơn tìm kim đáy biển.
Nhưng liệu việc làm thỏa mãn tính tò mò của trí tuệ, như vật lý thiên văn
đang làm, có biện minh được cho những chi phí hàng triệu đôla để xây
dựng các kính thiên văn mới hay không?
Trước hết, cần phải đặt sự vật đúng chỗ của nó. Tiền bạc chi phí cho nghiên
cứu nói chung và cho thiên văn học nói riêng chỉ chiếm một phần rất nhỏ
trong ngân sách quốc gia của các nước phát triển như Pháp hay Mỹ. Nó chỉ
cỡ vài phần trăm cho tất cả các nghành khoa học và chỉ cỡ 0,01% cho thiên