mình đang ở trong khung cảnh của một truyện khoa học viễn tưởng. Trên
một cao nguyên bao la và bằng phẳng, với một diện tích xấp xỉ như Paris,
sừng sững 27 kính thiên văn, mỗi chiếc đều có đường kính 25m. Không chỉ
ánh sáng mà tôi quan sát là hoàn toàn không nhìn thấy được mà tôi còn
phải phó mặc cho các máy tính điều khiển 27 kính thiên văn, tổng hợp ánh
sáng thu được của mỗi kính, số hóa và xử lý nó trước khi chiếu hình ảnh
thu được trên màn hình TV màu.
Do có quá nhiều giai đoạn trung gian giữa các tín hiệu thô và hình ảnh cuối
cùng, nên việc người ta tự hỏi trong hình ảnh này có bao nhiêu phần trăm là
của hiện thực khách quan là một điều hết sức chính đáng. Chính Galilê, ban
đâu, đã phải vô cùng khó nhọc để thuyết phục các đồng nghiệp của mình
tin vào tính hiện thực của những điều kỳ lạ mà ông đã phát hiện trên bầu
trời nhờ kính thiên văn mới được sáng chế của mình. Các đồng nghiệp của
ông đều nghĩ rằng những vệ tinh của sao Mộc và những miệng núi lửa trên
Mặt Trăng chẳng qua chỉ là những ảo giác quang học do thấu kính của kính
thiên văn tạo ra. Nhà thiên văn hiện đại, do tách rời hiện thực thô thông qua
các dụng cụ với các kích thước khổng lồ so với con người và tinh xảo hơn
tất cả những thứ mà Galilê có thể tưởng tượng ra, nên phải nhân gấp bội
tinh thần cảnh giác để tin chắc rằng các tín hiệu mà anh ta nhận được đúng
là tới từ Vũ trụ và không chỉ là những can nhiễu do các mạch điện quá phức
tạp trong các dụng cụ quan sát tạo ra.
Thật không may, mặc dù đã hết sức thận trọng, thi thoảng vẫn có những
phát minh được tuyên bố rùm beng, nhưng sau đó lại bị vạch ra là sai lầm.
Trường hợp mới đây nhất trong thiên văn học liên quan tới thông báo về
phát hiện một pulsar, nhưng thực chất đây là ngôi sao bùng nổ vào tháng 2
năm 1987 trong một thiên hà lùn quay quanh dải Ngân Hà của chúng ta,
thiên hà tô điểm cho bầu trời Nam Bán cầu mà người ta gọi tên là Đám mây
Magellan lớn. (Nhà hàng hải Magellan là người đầu tiên đã nhìn thấy nó
khi vượt qua xích đạo). Các nhà thiên văn gọi cơn hấp hối bùng nổ của một
ngôi sao là sao siêu mới (SN) và sao siêu mới trong Đám mây Magellan lớn
nói ở trên có tên là SN1987A (Chữ A là để chỉ đây là sao siêu mới đầu tiên
được phát hiện trong năm 1987). Sự bùng nổ này đã làm rung chuyển giới