nó phồng lên đáng kể. Đồng thời, màu của nó sẽ chuyển sang đỏ. Mặt Trời
khi đó sẽ trở thành một sao khổng lồ đỏ và khi phồng lên nó sẽ nuốt cả sao
Thủy lẫn sao Kim vào lớp bao cháy bỏng của nó. Còn đối với Trái Đất, các
cháu, chút chít...chít của chúng ta sẽ thấy Mặt Trời cháy bỏng chiếm cả nửa
bầu trời; các đại dương sẽ bốc hơi, các cánh rừng sẽ bốc cháy. Toàn bộ sự
sống trên hành tinh xanh chúng ta khi đó sẽ không thể tồn tại. Hậu thế của
chúng ta sẽ phải di cư ra tận biên của hệ Mặt Trời, tới các sao Hải vương và
Diêm vương, tất nhiên nếu họ có đủ khả năng làm được việc đó, để tránh
cái nóng cháy bỏng của sao khổng lồ đỏ. Tuy nhiên, sự ngơi nghỉ như thế
cũng chẳng được bao lâu: chỉ khoảng 2 tỷ năm nữa là Mặt Trời lại xài hết
cả nguồn dự trữ hêli. Khi không còn chất đốt, nó sẽ cầm chắc cái chết.
Xin ông hãy mô tả phút lâm chung của Mặt Trời.
Khi Mặt Trời không còn phát sáng nữa, lực hấp dẫn sẽ chiếm ưu thế và
buộc nó phải tự co lại thành một xác sao chết có tên là “sao lùn trắng”, có
kích thước chỉ cỡ Trái Đất với bán kính khoảng 7.000km. Vật chất trong
sao lùn trắng là cực kỳ đặc. Một thìa vật chất của sao lùn trắng nặng tới cả
tấn. Điều này cũng giống như ta ép một con voi vào khối lập phương mỗi
cạnh 1cm. Lớp bọc ngoài của Mặt Trời khi đó sẽ tạo nên một vành vật chất
đẹp rực rỡ hai màu xanh và đỏ xen kẽ bao quanh sao lùn trắng có tên là
“tinh vân hành tinh” (đây là tên gọi không chính xác vì các tinh vân này
không liên quan gì tới các hành tinh cả).
Vậy điều gì sẽ xảy ra với hậu thế của chúng ta?
Hậu thế xa xôi của chúng ta, do mất nguồn năng lượng, chỉ còn cách đi tìm
một ngôi sao khác. Cũng có thể khi đó sẽ bắt đầu cuộc thám hiểm thiên hà
mà các tác giả truyện khoa học viễn tưởng của chúng ta rất ưa chuộng.
Nhưng đó chẳng phải là chuyện dễ dàng gì: khoảng cách giữa các ngôi sao
là quá lớn! Ngôi sao gần Mặt Trời nhất cũng cách nó tới bốn năm ánh sáng.
Vì chúng ta không bao giờ có thể du hành nhanh hơn ánh sáng, do cần phải
có năng lượng vô hạn mới gia tốc được tên lửa đạt tới vận tốc đó, nên phải
mất hàng chục, thậm chí hàng trăm năm mới có thể tới được ngôi sao gần
nhất. Một cuộc du hành như thế kéo dài nhiều đời người, ấy là chưa nói tới
chuyện thám hiểm vùng biên của dải Ngân Hà, cách chúng ta tới 90.000