cùng với một số loài động vật gần gũi với nó) là đại diện cho dạng ý thức
và trí tuệ duy nhất mà chúng ta biết, nhưng một trí tuệ ngoài Trái Đất trên
một hành tinh khác, quay xung quanh một ngôi sao khác cũng không thành
vấn đề gì.
Tôi luôn kinh ngạc khi nghĩ rằng 100 tỷ nơtron có trong bộ não chúng ta đã
có thể đạt tới trình độ tổ chức đủ phức tạp để phát hiện ra các định luật vật
lý và toán học chi phối Vũ trụ. Hệ thống nơtron đó đã được sắp đặt như thế
nào để chúng ta có được một ý thức về Vũ trụ đã sản sinh ra chúng ta? Vì
chúng ta chẳng qua chỉ là những hạt bụi của các ngôi sao, được cấu tạo
bằng những nguyên tố nặng do lò luyện trong các ngôi sao chế tạo ra, rồi bị
xả vào môi trường giữa các vì sao bởi các sao siêu mới. Những nguyên tố
này kết hợp với nhau để tạo thành các hành tinh, những cái nôi của sự sống.
Chẳng có một nguyên nhân tiên quyết nào để chúng ta có thể phát hiện
được ra những định luật dường như mô tả tốt những đường nét khúc khuỷu
của tự nhiên. Và những định luật mà chúng ta phát hiện tại cái xó xỉnh nhỏ
nhoi của thế giới, trên cái hạt cát bé tí của Vũ trụ lại có thể giải thích được
các hiện tượng diễn ra ở cách xa hàng tỷ năm ánh sáng. Tôi có thể giải
thích được các tính chất vật lý của những thiên thể ở xa tới mức ánh sáng
xuất phát từ chúng còn trước cả khi những nguyên tử tạo nên cơ thể tôi
được chế tạo ra.
Đây cũng chính là điều kinh ngạc mà Einstein muốn bày tỏ khi ông nói
rằng: “Cái không thể hiểu được là Vũ trụ lại có thể hiểu được” hay như nhà
vật lý Mỹ gốc Hung Eugene Wigner khi ông nói về “tính hiệu quả không
thể tưởng tượng nổi của toán học” đối với việc mô tả thế giới.
Nói tóm lại, người ta có thể tóm tắt nguyên lý vị nhân mạnh bằng cách nói
rằng Vũ trụ ban tặng cho chúng ta ý thức là để cho phép chúng ta chiêm
ngưỡng được sự sáng thế.
Đúng thế. Tôi nghĩ rằng Vũ trụ chỉ có ý nghĩa nếu có một người quan sát có
ý thức về nó. Một Vũ trụ trống rỗng và khô cằn sẽ không có lý do để tồn
tại.
Cần phải nghĩ gì về sự hiệu chỉnh cực kỳ chính xác các hằng số vật lý?
Có hai sự lựa chọn khả dĩ. Thứ nhất là nói rằng chẳng có sự hiệu chỉnh nào