càng thấy nó vô nghĩa”. Vậy thì tại sao lại không đánh cược cho cái có ý
nghĩa và hy vọng? Nhưng, xin nhắc lại, tôi đánh cược với tư cách một
người của đức tin chứ không phải là một người của khoa học. Nguyên lý vị
nhân mạnh sẽ không bao giờ có thể được chứng minh một cách khoa học.
Thế thì nguyên lý vị nhân có đóng vai trò nào đó trong khoa học không?
Nguyên lý vị nhân vận hành theo hướng ngược với tiến trình bình thường
của khoa học. Khoa học tiên đoán. Nó nói với chúng ta rằng 4,5 tỷ năm
nữa, khi đã thành sao khổng lồ đỏ, Mặt trời sẽ phồng lên để nuốt cả sao
Thủy và sao Kim và sau đó sẽ tự co lại để trở thành một sao lùn trắng. Trái
lại, nguyên lý vị nhân là một phát biểu có tính chất hậu nghiệm: chúng ta
hiện hữu ở đây. Vậy chúng ta có thể nói gì về những điều kiện ban đầu của
Vũ trụ?
Tự bản thân nó, nguyên lý vị nhân không mang những chân lý gì lớn lao cả.
Một số nhà khoa học thậm chí còn buộc tội nó có ảnh hưởng tai hại. Bởi vì,
do quá viện đến ý tưởng về tính mục đích, về dự án của Vũ trụ, người ta có
nguy cơ để tuột mất những phát minh lớn. Thực vậy, nếu đứng trước một
hiện tượng còn chưa giải thích được của tự nhiên, người ta đều trả lời: “
Các sự vật cần phải như thế để con người có thể hiện hữu!”, thì khoa học
không thể tiến bộ được. Không, tôi nghĩ rằng nguyên lý vị nhân có thể
hướng dẫn trực giác của chúng ta để chỉ cho chúng ta con đường đúng dẫn
tới khám phá những bí mật của tự nhiên, nhưng trong bất cứ trường hợp
nào nó cũng không thể thay thế cho sự tiến triển kinh điển của khoa học. Lý
luận vị nhân không mang lại cho chúng ta một vụ mùa bội thu các phát
minh khoa học, nhưng trong sử biên niên của khoa học ít nhất cũng đã có
một trường hợp trong đó kiểu lý luận vị nhân đã cho phép tiến một bước vĩ
đại.
Câu chuyện này cũng rất đáng được kể lại, vì nó rất hay. Lúc đó là vào
những năm 1950. Lý thuyết Big Bang cũng mới chỉ chập chững những
bước đi đầu tiên. Nhưng người ta đã biết rằng chỉ có hiđrô và hêli là được
tạo ra trong Big Bang và tất cả những nguyên tố khác ra đời là nhờ lò luyện
hạt nhân của các ngôi sao. Nhưng có một câu đố hóc búa: những ngôi sao
làm thế quái nào tạo ra được cacbon, mà cacbon lại là cơ sở của sự sống?