bao giờ cảm thấy thất vọng với thế giới này. Vào mùa đông, một bầu không
khí ấm áp bao trùm cung điện.
Các nhà chiêm tinh tâu với nhà vua: “Ngay từ đầu, hãy để thái tử được sống
giữa những cô gái xinh đẹp, để đến lúc trở thành một chàng trai trẻ tuổi,
thái tử có được tất cả những thiếu nữ xinh đẹp của đất nước”. Họ còn đi sâu
vào chi tiết hơn nữa, rằng thái tử không nên nhìn thấy người già, bởi việc
nhìn thấy người già sẽ khiến thái tử đặt câu hỏi “Liệu đây có phải là vận
mệnh của tất cả mọi người?”. Đừng bao giờ để thái tử nhìn thấy người chết.
Tuyệt đối không cho thái tử nhận biết về thực tại của cuộc sống, giữ thái tử
ở vùng đất thần tiên thơ mộng. Luận điểm của họ là khi đã có tất cả, làm
sao thái tử lại muốn từ bỏ, muốn chống lại nó.
Thái tử được chăm sóc bởi các vị danh y của đất nước. Thậm chí những
người làm vườn trong cung cũng được ra lệnh rằng thái tử không được nhìn
thấy một bông hoa sắp héo hay một chiếc lá sắp ngả màu. Khi đêm xuống,
những gì báo hiệu cái chết phải bị loại bỏ. Thái tử chỉ nhìn thấy những bông
hoa xinh đẹp, rực rỡ. Ngài chỉ nhìn thấy những chiếc lá xanh mãi xanh.
Và đức vua có thể làm được điều này. Đức vua ra lệnh thực thi điều đó và
cách làm này đã phản tác dụng. Những gã chiêm tinh ngu ngốc kia không
hề biết được một điều đơn giản là nếu một người có được tất cả và không
nhận biết được những điều xấu xí quanh mình, sớm muộn gì anh ta cũng
cảm thấy chán ngấy. Sớm muộn gì anh ta cũng sẽ bắt đầu suy nghĩ: “Tất cả
đây sao? Thế thì ngày mai cũng tương tự, ngày mốt cũng không có gì thay
đổi. Vậy đâu còn gì ý nghĩa?”. Anh ta sẽ trở nên chán ngán. Và đó chính là
điều đã xảy ra. Thái tử cảm thấy chán với những thiếu nữ mãi xinh đẹp, với
những bông hoa mãi rực rỡ. Tâm trí của bạn có thể giữ im lặng trong bao
lâu? Chính các nhà chiêm tinh là nguyên nhân khiến thái tử từ bỏ hoàng
cung. Nếu ngài được phép sống một cuộc sống bình thường như bao người
khác, hẳn thế giới đã không có Đức Phật. Trong chừng mực nào đó, các nhà
chiêm tinh đã vô tình có công lớn với nhân loại.