“Công ty chúng ta khác.” Bạn có thường nghe cụm từ này không? Nhiều
công ty cảm thấy rằng họ rất độc đáo và trừ phi một ý tưởng, một qui trình,
hoặc một chương trình được họ tạo ra là được chấp nhận, còn thì những ý
tưởng khác đều bị từ chối. Dĩ nhiên là mỗi công ty có văn hóa riêng và cá
tính riêng của mình, nhưng chúng ta có thể học hỏi nhiều từ các công ty
khác – thậm chí ở những công ty khác biệt với chúng ta khá nhiều.
Phá bỏ thói quen
Khi người ta làm việc cùng nhau trong một thời gian dài, họ có khuynh
hướng suy nghĩ như nhau. Những ý tưởng được trình bày bởi một người có
thể được chấp nhận bởi những người khác mà không chịu sự phân tích
nghiêm khắc vì mọi thành viên đều xem xét nó theo cùng một cách. Alfred
Sloan, một trong những nhà sáng lập General Motors, công nhận điều này.
Công ty này sắp thực hiện một dự án quan trọng. Mọi thành viên của nhóm
bao gồm Sloan cảm thấy nó là một ý tưởng hay. Tuy nhiên, Sloan không
thoải mái với điều này. Anh bảo nhóm của mình rằng họ nên suy nghĩ nhiều
hơn về nó, kiểm tra những vấn đề mà các công ty khác có lẽ đã gặp ở những
dự án tương tự. Ông không đụng gì tới đề xuất này, để nó lại sau vài tháng
sẽ cân nhắc. Khi họ gặp lại nhau để thảo luận về nó, nhiều vấn đề từng bị bỏ
qua thì nay được thảo luận, và những gì từng được nêu ra nhưng chưa được
xem xét cách đó mấy tháng thì nay đưa ra lại, được cân nhắc và tinh chỉnh
một cách nghiêm túc.
Phương pháp Benchmarking – Xác định điểm chuẩn
Một trong những nguyên tắc cơ bản của ý niệm Quản lý Chất lượng Toàn
diện là các công ty thành công thì không sợ tìm kiếm ý tưởng từ những công
ty khác nếu nó giúp họ đạt tới được những mục tiêu. Thật ra, một trong
những đòi hỏi trong giải thưởng Malcolm Baldrige – một giải thưởng ghi
nhận chất lượng kinh doanh cao nhất của Hoa Kỳ – là những người tham gia
phải chia sẻ các phương pháp và kỹ thuật được sử dụng để đạt được giải
thưởng với mọi bên có quyền lợi. Phương pháp này được đặt tên là “Phương
pháp Benchmarking” – Xác định điểm chuẩn.