không phải là ý kiến tồi hay sao? Liệu đưa ra lời khuyên và để cho người ta
nghĩ ra kết luận cho chính họ không phải là khôn ngoan sao?
Dale Carnegie
Đó là cách tôi thường hay làm!
Quản lý bằng nỗi sợ hãi vẫn là một cách làm thường thấy. Và nó có hiệu quả
– đôi khi. Người ta sẽ làm nếu họ sợ bị mất việc, nhưng họ sẽ làm bao nhiêu
công việc? Câu trả lời là “Vừa đủ để khỏi bị sa thải”. Đó là lý do tại sao kỹ
thuật này không được xem là cách quản lý hiệu quả. Quản lý thành công liên
quan tới việc nhận được sự sẵn sàng hợp tác của các đồng nghiệp.
Hơn nữa, sa thải nhân viên cũng không dễ đến thế. Khi chú ý tới những hàm
ý của các bộ luật dân sự và công đoàn – và trong nhiều trường hợp, sự khó
khăn và chi phí liên quan tới việc tuyển dụng người thay thế có năng lực –
thì sa thải nhân viên có thể gây ra nhiều vấn đề hơn là giữ chân nhân viên
mà chúng ta không hài lòng.
Chúng ta không thể giữ chân nhân viên giỏi trong thời gian lâu dài nếu quản
lý bằng nỗi sợ hãi. Khi trong cộng đồng hoặc trong ngành nghề của chúng ta
đang xảy ra tình trạng khan hiếm công việc, nhân viên có thể chấp nhận
những người sếp hống hách và độc đoán. Nhưng khi thị trường việc làm mở
rộng, những người giỏi nhất sẽ tìm đến các công ty có môi trường làm việc
dễ chịu hơn. Cái giá phải trả khi có biến động nhân sự có thể rất đắt và
thường gây nhiều tổn hại.
Khen là nâng niu nhân viên
Một số trưởng phòng sợ rằng nếu họ khen ngợi một nhân viên, người đó sẽ
trở nên tự mãn và thôi không cố cải thiện (chắc chắn là một số người phản
ứng theo cách này). Quan trọng là khen theo cách nào đó khích lệ nhân viên
để họ tiếp tục làm tốt công việc.