ảnh phân giải cao, hay dự báo thời tiết cho từng phút, thì thật quá dễ dàng và chủ
quan để cho rằng tự nhiên đã được “thuần hóa” và tuân theo ý muốn của chúng ta.
Tất nhiên là không phải thế.
Không phải con người luôn suy nghĩ theo cách này. Người cổ đại (và thậm chí cả
những người không cổ đại) đã sử dụng từ “định mệnh” thường xuyên hơn chúng ta
bởi lẽ họ đã quen và bị ảnh hưởng bởi sự ngẫu nhiên và thất thường của thế giới
nhiều hơn chúng ta. Những sự kiện xảy ra được xem là do “ý chí của Thượng đế”.
Định mệnh là những sức mạnh quy định đời sống và số phận của chúng ta, thường
chẳng cần sự ưng thuận của chúng ta.
Các bức thư trước kia luôn được ký “Deo volente” – Ý chí của Thượng đế. Bởi ai mà
biết được điều gì có thể xảy ra?
George Washington đã đặt mọi thứ ông có vào Cách mạng Mỹ, sau đó nói rằng “Việc
này nằm trong tay của Thượng đế”. Hay như Eisenhower đã viết cho vợ mình vào
đêm trước ngày quân Đồng minh đánh chiếm đảo Sicily: “Mọi điều chúng ta dự liệu
đều đã được hoàn tất, ai nấy trong quân ngũ đều đang làm tốt nhất có thể. Còn mọi
sự do Thượng đế an bài.” Họ không phải là những người an phận hay phó mặc mọi
sự cho người khác – họ rốt cuộc đều hiểu rằng điều gì xảy ra, tất sẽ xảy ra. Và từ đó họ
tiến lên.
Đã tới lúc cần phải có đủ sự khiêm nhường và linh hoạt để thừa nhận điều tương tự
trong cuộc đời của chúng ta. Luôn có ai đó hay điều gì đó có thể khiến kế hoạch thay
đổi. Và người đó không phải là chúng ta. Tương tự như câu nói “Con người đề xuất,
nhưng Thượng đế an bài.”
“Số phận đã định đoạt.”
“Cầu xin Thượng Đế điều đó không xảy ra.”
“Ý muốn của Thượng Đế.”
Cho dù bạn thích cách ngôn nào đi nữa, chúng đều giống nhau. Không có nhiều thay
đổi giữa thời cổ đại với thời nay – người xưa chỉ hiểu biết điều này rõ hơn chúng ta
mà thôi.
Cách thức của cuộc sống là cho bạn nhiều thứ để làm, đủ nhiều để khiến bạn lưu lại
dấu ấn của riêng mình. Nhìn nhận mọi người và mọi chuyện như chính họ là đủ rồi.
Hãy trôi theo dòng, giống như nước chảy xuôi theo một quả đồi – luôn dẫn xuống
đáy.