Alecxăngdri, ở Côngxtăngtinốp. Không nên bỏ qua một cơ hội nào cả!
Những cái không thể xảy ra cũng đều có khả năng xảy ra. Không phải
chính cái không có khả năng xảy ra lại trở nên hiện thực trong cuộc đời
chìm nổi của ông đó sao? Ông không muốn để địa chỉ của ông vì sợ
người ta quấy nhiễu bằng những yêu cầu ít nhiều gian dối, ông để địa chỉ
của chủ nhà băng của ông ở Amiêng. Bởi vậy, chính ông này nhận những
lá thư mà người ta gởi cho mong lĩnh 10.000 phờrăng và chuyển về
Marôcua. Chính Perin đọc những lá thư ấy và dịch lại. Nói chung, những
lá thư ấy chẳng mách được gì nhưng cũng không làm cho ông Vunphran
nản lòng và cũng chẳng làm cho ông mất tin tưởng. “Chỉ có lời rao lặp
đi, lặp lại mới có tác dụng”. Ông thường nói thế và không hề chán nản,
ông vẫn tiếp tục đăng lời rao của mình. Một hôm, có một lá thư từ
Saraglôvơ, ở Bôtxni đem đến một đề nghị đáng chú ý. Bức thư viết bằng
tiếng Anh chập chững, nói với ông Vunphran cứ gửi 40 livrơ đã hứa ở
mẫu rao của tờ Thời Báo cho một nhà băng ở Larađôvô thì người ta cam
kết sẽ cho biết những tin tức chắc chắn của ông Étmông Panhđavoan cho
đến tháng 11 năm trước. Nếu người ta nhận được lời giao ước này thì trả
lời ở hộp thư lưu ở Saraglôvô với số 917.
- Ấy! Cháu thấy bác nói có sai đâu, ông Vunphran reo lên, tháng 11
gần chúng ta lắm cháu ạ!
Ông Vunphran tỏ vẻ vui mừng, đó cũng như lời thú nhận sự ngại lâu
nay của ông vì bấy giờ ông có thể nói Étmông còn sống với những bằng
chứng trong tay chứ không phải chỉ là lòng tin tưởng của người bố mà
thôi. Từ dạo ông tập hợp những tin tức, đây là lầu đầu ông nói về con trai
của ông với hai người cháu và Taluen.
- Tôi rất vui mừng cho mấy người hay tôi vừa nhận được tin của
Étmông. Tháng 11, nó ở Bôtxni.
Cái tin ấy lan nhanh chóng trong vùng, gây một xúc động rất lớn.
Trong trường hợp ấy, như thường lệ người ta tô vẽ thêm:
- Ông Étmông sắp về!