- Tôi nghĩ rằng ông đủ nghị lực để đến đây. Taluen nói với một giọng
thương cảm nhưng ánh mắt của ông ta thì vẫn sáng quắc.
- Tôi chẳng thấy khỏe hơn tí nào, nhưng tôi đến đây bởi vì tôi phải
đến!
- Ấy ấy, tôi cũng muốn nói như thế!
Ông Vunphran cắt ngang lời của Taluen và gọi Perin đưa ông vào
phòng giấy của ông. Bây giờ là lúc khui đống thư báo đồ sộ gồm từ hai
ngày nay. Ông để cho họ làm công việc ấy không một lời nhận xét,
không một mệnh lệnh nào, có vẻ như là ông điếc và đang ngủ gà, ngủ
gật.
Tiếp đến, là cuộc họp những trưởng ban, trong cuộc họp hôm nay cần
quyết định một việc quan trọng liên quan đến lợi ích của nhà máy. Nên
bán số đay dự trữ khá lớn ở Ấn Độ và ở Anh chỉ giữ lại một số cần thiết
để đủ cho các nhà máy sản xuất trong một thời gian? Hay là ta cần mua
thêm đay nữa? Tóm lại là ta cần đón giá lên hay chờ giá hạ? Thông
thường, những công việc này được bàn bạc một cách nghiêm túc, không
một ai né tránh. Lần lượt, ông Vunphran lắng nghe theo thứ tự, người trẻ
nhất cho ý kiến trước và trình bày những lý do. Cuối cùng ông Vunphran
cho biết quyết định mà ông đề nghị chấp hành. Chuyện ấy không phải để
nói ông ấy làm y theo quyết định. Người ta kết lại, đã có lần, sau sáu
tháng, cũng có khi một năm, ông làm ngược lại điều ông đã nói. Nhưng
trong mọi trường hợp, ông phát biểu rất rõ ràng, khiến nhân viên khâm
phục ông, và khi nào cuộc tranh luận cũng đạt đến kết quả. Sáng hôm ấy,
cuộc tranh luận vẫn theo trình tự bình thường. Mỗi người nêu ra những
lý lẽ của mình về việc mua, bán. Đến lượt Taluen, ông ta không nói lời
khẳng định mà phát biểu một nghi vấn:
- Chưa bao giờ tôi cảm thấy bối rối như hôm nay, có nhiều lý do rất
hay để mua, những cũng có những lý do mạnh mẽ để bán.
Taluen thành thật, khi thú nhận sự bối rối ấy! Ông ta vẫn thường có
thói quen theo dõi nét mặt của ông chủ để tùy đó mà phát biểu ý kiến.