Tiếng la hét của mụ bán bánh làm cho ba, bốn khách bộ hành dừng
lại, tò mò, trao đổi với nhau:
- Có chuyện gì thế
- Cái con này muốn ăn cắp!
- Khi người ta cần thì chẳng thấy bóng dáng cảnh sát.
Hoảng hốt, Perin tự hỏi em có đi được không? Thế nhưng người ta
cũng cho em đi. Những lời chửi rủa, la ó đuổi theo em. Em không dám
chạy trốn, cũng không dám quay lại nhìn xem người ta có đuổi theo
không? Sau vài phút đối với em như là vô tận, Perin đến cánh đồng, thở
phào nhẹ nhõm vì đã vượt qua tất cả! Mình không bị bắt! Không còn
nghe lời mắng chửi! thật ra, Perin có thể nói: không có cơm ăn, không có
tiền, nhưng đó là chuyện tương lai! Với những người suýt chết đuối, khi
choài được lên mặt nước, ý nghĩ đầu tiên của họ không phải là để tự hỏi
tối nay và trưa mai họ được ăn gì?
Thế nhưng, sau khi được thấy mình thoát nạn, cái ý nghĩ về bữa ăn
ám ảnh Perin dữ dội! Không phải em chỉ sợ cho chiều hôm nay mà còn
ngày mai và những ngày tiếp theo. Perin không còn quá ngây thơ để
tưởng tượng nỗi buồn phiền sẽ nuôi em sống. Em hiểu người ta không
thể nhịn đói mà đi. Khi tính toán về chuyến đi, em chỉ nghĩ đến nỗi mệt
nhọc ở dọc đường, cái rét lúc đêm xuống và cái nóng giữa ban ngày. Còn
cái ăn đã có đồng năm phờrăng! Em chỉ còn một xu! Làm thế nào để
mua được nữa ký bánh cần dùng hàng ngày! Em lấy gì để ăn?
Tự nhiên, Perin đưa mắt nhìn quanh hai bên đường đi và trong đám
ruộng. Ánh nắng hoàng hôn trải trên đám lúa mì mới phơi màu. Những
cây củ cải đường xanh mơn mởn và những cây linh lăng thảo, xa tiền
thảo thì chẳng ăn được! Với lại, nếu những đám ruộng ấy trồng dưa có
quả chín, hay dâu sai quả thì cũng chẳng có ích gì? Em không thể đưa
tay ra hái trộm dưa hay quả dâu! Em không thể là ăn cắp, ăn xin, du
đãng. Ôi, Perin muốn gặp một con bé cũng khổ sở như em để hỏi xem tụi
du đãng lấy dì mà sống trên con đường dài, qua những xứ sở văn minh!