- Thôi cháu đừng lo. Bác gởi cháu cho ông Cả. Người cùng làng mình ngày
xưa, nay
khá giả. Bác chắc chắn là họ sẽ vui lòng giúp đỡ cháu. Vả lại, như theo bác
biết, ngày xưa nhà người nầy cũng đã nhờ vả ba cháu rất nhiều, nên bác
nghĩ là không đến nỗi nào. Cháu cứ yên chí. Có bác Sáu cháu đừng lo, phải
vui lên cho mẹ cháu đừng buồn.
Phiên cũng thấy mình yên ổn hơn. Câu nói của bác Sáu làm Phiên đỡ đi
gánh nặng lo âu. Linh ngồi bên tuy ái ngại, nhưng cũng thêm vào một câu
chứa chan hy vọng để Phiên không còn buồn :
- Phải rồi Phiên, tui tưởng bồ không có ai quen chớ có người quen là nhất
rồi. Nhớ
thi vô trường Trương Vĩnh Ký nghe.
Phiên vui hơn một tí :
- Ừ, tui sẽ thi vô trường Trương Vĩnh Ký. Mà trường đó ở đâu vậy ?
- Ở đường… Bữa hôm trước, ba tui có chở tui đi ngang qua đó, trường đẹp
ghê, có
cây, có sân chơi rộng. Oai lắm…
Phiên tưởng tượng đến ngôi trường lớn, tường gạch, mái ngói đỏ rực. Tầm
mắt của Phiên chỉ hiển hiện ra một ngôi trường to lớn bằng cái dinh quận
mà mẹ Phiên đã kể cho Phiên nghe trong những ngày rảnh rỗi.
Hai mẹ con đã thủ thỉ hết chuyện lớn đến chuyện nhỏ, chuyện cái sân nhà
ông Cả vì sao lại có cái ao ở giữa. Chuyện cái đình một mái. Chuyện căn
nhà bác Phán toàn bằng đất sét và tre bện. Thỉnh thoảng cao hứng bà Tư lại
kể cho con nghe những hình ảnh mờ nhạt thời con gái, bà đã buôn bán từ
chợ huyện này sang chợ huyện khác. Những ngôi nhà mái đỏ rực, có người
canh, những chiếc xe tay chạy như bay làm bà hoảng hốt. Vô tình bà đã vẽ
nên trong óc Phiên những hình ảnh ước lệ đó. Vì Phiên chỉ biết đến đó là
cùng.
- Nầy bồ Phiên, lên Sài Gòn bồ ở đâu ? Nhà ở khoảng nào ?
Phiên lắc đầu, chỉ bác Sáu :
- Tui không biết, hỏi bác Sáu đi !
Bác Sáu nghe nói đến mình nhìn sang trả lời :